Về giải thích từ ngữ tại khoản 17 Điều 3, đại biểu Triệu Thanh Dung cho rằng, theo cách hiểu thông thường thì cai nghiện ma túy là quá trình làm cho người nghiện chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng ma túy. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, hầu hết người nghiện không từ bỏ hoàn toàn được ma túy. Tỷ lệ tái nghiện sau cai lên đến trên 90%.
"Có lẽ vì vậy, ban soạn thảo giải thích thuật ngữ “cai nghiện ma túy” tại khoản 17 Điều 3 là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhằm giảm sử dụng ma túy, tác hại của ma túy. Theo tôi, giải thích như vậy không đúng với nghĩa của từ cai nghiện", đại biểu nhận định.
Đại biểu Triệu Thanh Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Do vậy, đại biểu đề xuất thay thuật ngữ “cai nghiện” bằng thuật ngữ “điều trị nghiện” để thể hiện đúng thực tế nghiện ma túy không thể từ bỏ hoàn toàn được và phù hợp với nhận thức mới, coi nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, người nghiện ma túy là bệnh nhân và quá trình cai nghiện chuyển sang quá trình điều trị nghiện ma túy.
Đối với việc sử dụng thuật ngữ "sau cai trong dự thảo luật, theo các chuyên gia và các bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng não của người nghiện bị tổn thương nghiêm trọng và quá trình phục hồi có thể rất lâu dài, thậm chí là cả đời. Do đó, trạng thái sau cai gần như không có thực. Vì vậy, đại biểu Triệu Thanh Dung đề nghị thay việc sử dụng thuật ngữ "sau cai” bằng thuật ngữ “hỗ trợ phục hồi”.
Liên quan đến các quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu Triệu Thanh Dung cho rằng, các quy định tại khoản 16 Điều 3 và khoản 1 Điều 23 đều nhằm xác định người sử dụng trái phép chất ma túy, tuy nhiên, cách thể hiện lại không thống nhất. Đại biểu đề nghị bỏ khoản 16 Điều 3, đưa nội dung khoản này vào khoản 1 Điều 23 để các điều luật không bị trùng lặp về nội dung, thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Khi đó, khoản 1 Điều 23 được viết lại là: “Người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không được sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, có xét nghiệm dương tính với chất ma túy và chưa xác định được tình trạng nghiện”.
Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 24 quy định: “Khi người sử dụng trái phép chất ma túy chuyển đi khỏi nơi cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi chuyển đi có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi chuyển đến trong thời gian 3 ngày làm việc”. Đại biểu Triệu Thanh Dung cho rằng điều này là không khả thi, gây khó khăn cho người thực hiện, vì nếu người sử dụng trái phép chất ma túy tự ý di chuyển, không khai báo, không biết đi đâu thì Ủy ban nhân dân cấp xã cũng không biết báo cho ai. Do đó, cần xem xét kỹ lưỡng tính hợp lý khả thi của quy định trên.
Tại khoản 6 Điều 24, về các trường hợp dừng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu Triệu Thanh Dung cho rằng luật chưa nêu đầy đủ các trường hợp phải dừng hoặc có thay đổi về quản lý. Ví dụ, trong thời gian bị quản lý mà người sử dụng trái phép chất ma túy phạm tội hình sự, bị bắt tạm giam hoặc thi hành án phạt tù thì Ủy ban nhân dân cấp xã có còn quản lý không hay chuyển giao cho ai. Do vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm các trường hợp trên cho đầy đủ.
Đối với vấn đề cai nghiện ma túy tại Chương V, đại biểu Triệu Thanh Dung cho rằng, nội dung các khoản và tên các khoản không phù hợp với nhau. Cụ thể tại khoản 1, cai nghiện ma túy tự nguyện hay bắt buộc, theo đại biểu, không phải là biện pháp cai nghiện ma túy mà là hình thức cai nghiện ma túy. Biện pháp cai nghiện ma túy thường là cắt cơn, điều trị hội chứng sử dụng thuốc thay thế, hỗ trợ phục hồi về thể chất, tâm lý. v.v.. Còn khoản 2, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và tại cơ sở cai nghiện ma túy không phải là hình thức cai nghiện ma túy, mà là địa điểm tổ chức cai nghiện. Do đó, đại biểu đề nghị sửa khoản 1 là các hình thức cai nghiện ma túy, khoản 2 là các địa điểm cai nghiện ma túy.
Tại các khoản b, c, d, đ Điều 37, quy định các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với những người đang trong thời gian cai nghiện tự nguyện, đang điều trị thay thế hoặc sau khi kết thúc thời gian cai nghiện theo quy định mà bị phát hiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đại biểu, quy định như vậy mâu thuẫn ngay với nội dung giải thích từ ngữ cai nghiện. Điều này cũng đi ngược với hướng dẫn của các cơ quan Liên hợp quốc về điều trị nghiện, là việc điều trị dài hạn tại cơ sở nội trú, chỉ áp dụng cho một số ít người nghiện. Đa số người nghiện cần được điều trị tại cộng đồng và cơ sở y tế.
Vì vậy, đại biểu Triệu Thanh Dung đề nghị nếu người nghiện đang thực hiện cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng hoặc cơ sở cai nghiện mà không hợp tác, không tuân thủ điều trị thì mới đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc sau thời gian điều trị mà tiếp tục sử dụng ma túy đến mức nghiện và đã xác định tình trạng nghiệm thì mới đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng, Luật quy định một chương là Chương II về trách nhiệm phòng, chống ma túy, trong đó, quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, trách nhiệm của nhà trường, của các cơ sở giáo dục v.v.. Tuy nhiên, các chương khác như Chương IV, về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Chương V, cai nghiện ma túy cũng có các quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan; tại Chương VI, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy cũng có quy định về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại biểu đề Nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa các nội dung có liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy về Chương II và sắp xếp lại các nội dung trên cho hợp lý, logic, tránh trùng lắp và khả thi trên thực tế.