ĐBQH PHAN ANH KHOA GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

17/02/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Phan Anh Khoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng Quốc hội không nên thay đổi chức năng của Luật Bộ đội biên phòng nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài, đồng bộ của hệ thống pháp luật nước ta, ổn định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang.

 Đại biểu Phan Anh Khoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Anh Khoa bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Đại biểu nhận định dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã có sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, không có sự chồng chéo, không tạo lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, có sự kế thừa và phát triển Pháp lệnh Bộ đội biên phòng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng hiện nay, đồng thời có sự tiếp thu, chỉnh lý ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội. Đại biểu cho rằng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã bảo đảm đầy đủ 3 yếu tố cơ bản của một dự án luật. Một là đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng bằng pháp luật. Hai là bảo đảm tính pháp lý của một dự án luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Ba là bảo đảm tính kế thừa và phát triển, yêu cầu khách quan về chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả thực tiễn trong 60 năm qua và có tính khả thi cao trong giai đoạn tới.

Về một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là lực lượng Bộ đội biên phòng được quy định trong dự án Luật Biên phòng, đại biểu bày tỏ quan điểm rằng, thực tế từ khi thành lập đến nay, các cơ quan hữu quan đã tiến hành tổ chức nghiên cứu, 2 lần tổng kết thực tiễn của công tác biên phòng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 7 nghị quyết, có 5 nghị quyết chuyên đề và một số kết luận về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng biên phòng. Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đều xác định Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách hoặc chủ trì, phối hợp với công an, các cơ quan và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới và cửa khẩu.

Thứ nhất, dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã cụ thể hóa các Nghị quyết số 11 ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị, Thông báo 165 ngày 12/2/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 9, Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, đều xác định Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới theo quy định của pháp luật và bảo đảm yêu cầu Nghị quyết số 18 lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII với nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính".

Thứ hai, dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, có sự rà soát, sự tương tác đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bộ luật này có liên quan đến khoảng 11 bộ luật, 13 nghị định của Chính phủ, đồng thời có sự kế thừa phát triển của Pháp lệnh Biên phòng, đều xác định Bộ đội biên phòng đã chủ trì hoặc nòng cốt chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới theo quy định của pháp luật. Cụ thể là tại khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia, tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật An ninh quốc gia quy định lực lượng biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Tại khoản 2 Điều 35 Luật Biên phòng năm 2018, tại Điều 49 Luật Xuất, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi 2019 quy định giao trách nhiệm cho Bộ Quốc phòng chủ trì vấn đề này. Tại khoản 1 Điều 32 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 Bộ đội biên phòng có quyền hạn điều tra 104 tội quy định tại 51 điều luật cụ thể hoặc tại Nghị định số 34 ngày 29/4/2014, Nghị định 71 ngày 03/9/2015, Nghị định 164, Nghị định 03 ngày 5/9/2019 quy định Bộ Quốc phòng chủ trì vấn đề này hoặc Nghị định 112 ngày 21/11/2014, Nghị định 77 ngày 3/7/2017 tại khoản 2 Điều 7, tại Điều 34 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới cửa khẩu, biên giới đất liền giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ngày 16/3/2016 đều xác định Bộ đội biên phòng là lực lượng chủ trì trong duy trì, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.

Vấn đề thứ ba, dự án Luật Biên phòng Việt Nam được tổng kết từ thực tiễn 60 năm chiến đấu xây dựng trưởng thành, do tính chất nhiệm vụ Bộ đội biên phòng có 28 năm thuộc Bộ Công an, hơn 32 năm thuộc Bộ Quốc phòng. Dù ở Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng luôn được Đảng, Nhà nước, pháp luật khẳng định vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Đặc biệt, trong những năm qua, tình hình an ninh, trật tự trên khu vực biên giới đất liền, khu vực biên giới biển, cửa khẩu luôn giữ vững ổn định. Bộ đội biên phòng luôn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và ghi nhận công lao to lớn, đặc biệt là chỗ dựa vững chắc được cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới tin tưởng. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư lệnh biên phòng thực tiễn trong phòng, chống đấu tranh tội phạm của lực lượng biên phòng từ năm 1997 đến nay theo quy định của pháp luật đã chủ trì xác lập hàng ngàn chuyên án về tội phạm các loại, khởi tố, điều tra theo thẩm quyền hàng chục ngàn vụ xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trên 140 vụ, 357 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, triệt phá 300 tổ chức đường dây với 1.500 đối tượng của các cơ quan đặc biệt nước ngoài và vấn đề lợi dụng tôn giáo, dân tộc, các đối tượng chống đối chính trị trên 100.000 vụ và đối tượng liên quan đến buôn bán ma túy, thu giữ trên 12 tấn ma túy các loại, hàng nghìn vụ buôn bán, gian lận thương mại. Tổng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm thu giữ trên 1.900 tỷ đồng, giải cứu 1.597 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán, v.v. đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19 công tác tuần tra, kiểm soát cửa khẩu đường mòn, lối mở, 2.091.990 người nhập cảnh, 2.097.454 người xuất cảnh. Phát hiện 17.477 người nhập cảnh trái phép. Tổ chức tiếp nhận cách ly doanh trại 6.916 người, phân luồng giao cho địa phương khoảng 65.325 người, v.v.. Kết quả phối hợp với công an, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với công an duy trì tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát hiện, bắt giữ và truy tố hàng ngàn hành vi trái pháp luật. Như vậy về lý luận và thực tiễn đã khẳng định, lực lượng biên phòng đã và đang thực hiện tốt chức năng duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực cửa khẩu và biên giới. Do vậy Quốc hội không nên thay đổi chức năng của Luật Bộ đội biên phòng nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài, đồng bộ của hệ thống pháp luật nước ta, ổn định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật như xác định tại Điều 12 vừa qua và cả dự án luật này phù hợp./.

Minh Hùng