ĐBQH NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

17/02/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, kiến nghị luật cần có quy định bổ sung về chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ biên phòng, cần có chính sách ưu đãi thỏa đáng với người lính biên phòng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, nêu rõ chủ trương của Đảng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chính vì lẽ đó mà sự ban hành Luật Biên phòng đưa ra là hết sức cần thiết và lý giải cũng hết sức thuyết phục. Việc tiếp tục giải trình cũng hết sức rõ ràng, cụ thể nhằm mục đích tạo cơ chế pháp lý, kiện toàn xây dựng lực lượng biên phòng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, khắc phục những khó khăn, những hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh về biên phòng.

Thực tế tiếp cận với đồng bào dân tộc thiểu số trên tỉnh Quảng Bình, đại biểu ghi nhận lực lượng biên phòng trong tỉnh luôn thể hiện trách nhiệm của mình về bảo vệ biên cương, quản lý xuất, nhập cảnh, phòng chống tội phạm, mở rộng quan hệ đối ngoại, luôn thân thiện, gần gũi với đồng bào dân tộc, người dân biên giới tham gia củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, cứu hộ, cứu nạn, trợ giúp y tế, văn hóa, giáo dục, cứu trợ xã hội, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, đặc biệt là trải qua đợt dịch COVID-19 có nhiều đóng góp hết sức quan trọng để góp phần hoàn thiện luật thông qua.

Đại biểu bày tỏ đồng tình với tên gọi Luật Biên phòng vì tên gọi này đã trải qua nhiều hội thảo góp ý, biên soạn và đã có sức thuyết phục trong vấn đề kiến nghị.

Tại khoản 2 Điều 12 đại biểu đồng tình với nội dung Bộ đội biên phòng chủ trì, duy trì an ninh, trật tự, an toàn khu vực biên giới. Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược biên phòng Quốc gia đã xác định, xây dựng lực lượng toàn dân, bảo vệ biên giới rộng khắp, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách. Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Khi chưa có lực lượng phối hợp thì biên phòng xử lý các trường hợp khác, phối hợp duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển. Thực tế, Bộ đội biên phòng là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới, thường xuyên nắm bắt, phát hiện nhiều tổ chức gián điệp, biệt kích, phản động, dập tắt các vụ gây rối, gây bạo loạn trong vùng dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới, điều tra phát hiện, xác lập hàng ngàn chuyên án, đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm về ma túy, các đường dây xuất, nhập cảnh trái phép, chuyển giao tài liệu ra nước ngoài, mua bán phụ nữ, trẻ em vận chuyển, lưu hành tiền giả, chống buôn lậu, truyền đạo trái phép trong vùng dân tộc. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về pháp luật biên giới quốc gia khi chưa có lực lượng phối hợp thì Biên phòng xử lý. Đây là một việc làm hết sức cần thiết.

 Ba, tại khoản 2 Điều 13 dự thảo luật, đại biểu đồng tình với quy định bổ sung nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng tham mưu cho Bộ đội Quốc phòng về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới và xây dựng lực lượng Bộ đội biên phòng. Ý kiến này, các đại biểu đã chứng minh tôi không nói thêm.

Bốn, tại Điều 14 khoản 2 và Điều 15 dự thảo luật quy định Bộ đội biên phòng có quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vi phạm của pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Quy định của biên phòng có quyền, không sợ chồng chéo với lực lượng công an, hải quan. Có nhiều ý kiến cho rằng là chồng chéo. Theo đại biểu, quan điểm này chưa đúng, ở đây không phải là chồng chéo, mà là sự đồng hành trong vấn đề xử lý và biên phòng là nơi mà tiếp cận nhiều vấn đề xảy ra ở biên giới, ở biển đảo và chính vì thế chỉ có biên phòng là xử lý những trường hợp có thể xảy ra. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, đại biểu phân tích, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về xây dựng Bộ đội biên phòng trong tình hình mới, xác định kiểm soát xuất, nhập khẩu ở cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường biên giới, ngoài ra còn có Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh cư trú. Pháp lệnh, nghị định quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, chủ trì bảo vệ an ninh, trật tự ở các cửa khẩu, cảng biển. 60 năm qua Bộ đội biên phòng đã trực tiếp kiểm soát xuất nhập cảnh các cửa khẩu, các cảng biển và nhiều vấn đề khác. Bộ đội biên phòng chỉ kiểm tra phương tiện vận tải trong phạm vi khu vực cửa khẩu và khu vực biên giới, khi có căn cứ cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá của các thế lực thù địch, một số tội phạm như ma túy, mua bán người, vũ khí biên giới và cửa khẩu. Gần đây nhất, các vụ án buôn lậu ma túy lớn như ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Sơn La, Lạng Sơn, Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang, v.v.. Lực lượng biên phòng đã đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong công tác phát hiện và xử lý. Việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa, phương tiện xuất, nhập cảnh do hải quan chủ trì và thẩm quyền hải quan được xử lý trong phạm vi Luật Hải quan, còn Bộ đội biên phòng kiểm soát xuất, nhập cảnh ở các cửa khẩu, đồng thời kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Việc quy định nhiệm vụ Bộ đội biên phòng như dự thảo luật là phù hợp với thực tiễn, không chồng chéo mà đồng hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên địa bàn của hải quan.

Năm, ở Điều 28, khi nói đến lực lượng biên phòng, dân gian thường có câu "đồn là nhà, biên giới là quê hương". Đây là câu nói đầy tính nhân văn, thể hiện tấm lòng người lính biên phòng với việc thường xuyên gắn bó, yêu mến biên giới. Tuy nhiên, cuộc sống thường xa nhà, xa quê, xa gia đình, xa người thân... gặp không ít khó khăn, thách thức, nguy cơ đe dọa đến tính mạng của kẻ phản quốc, buôn bán ma túy, buôn người, gian lận thương mại. Vì thế, đại biểu kiến nghị luật cần có quy định bổ sung về chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ biên phòng, cần có chính sách ưu đãi thỏa đáng để người lính biên phòng có niềm tin, yêu thương, có trách nhiệm với công tác, với gia đình, người thân yên lòng động viên chiến sĩ của mình chiến đấu, giữ vững chủ quyền của đất nước trong bối cảnh biên giới luôn tiếp cận, đối đầu với những đối tượng xâm phạm chủ quyền, đặc biệt là biên giới./.

Minh Hùng