Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật, đại biểu Bùi Thị Thủy cho biết, theo quy định của khoản 3 điều 1 của dự thảo Luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, được tuyển chọn làm nòng cốt cho lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu nêu thực tế, hiện nay, tại các địa phương đã hình thành nhiều mô hình tổ chức tự quản tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, có những lực lượng thành lập và hoạt động tự phát hoặc có thể được chính quyền địa phương công nhận quản lý.
Đại biểu Bùi Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Tuy nhiên về cơ bản, đây vẫn là hoạt động tự phát của người dân trong phong trào toàn dân đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của các mô hình này vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, như hoạt động thường thiếu định hướng, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ và thiếu kỹ năng ứng phó giải quyết các tình huống bất ngờ, phức tạp, đột xuất.
“Do đó, cần phải có cơ sở pháp lý rõ ràng để quản lý chặt chẽ các mô hình này, tránh các hiệu quả tiêu cực có thể xảy ra”, đại biểu Bùi Thị Thủy đề nghị.
Tuy nhiên, theo giải trình của Ban soạn thảo, một trong những mục đích của việc ban hành dự án Luật là nhằm thực hiện sắp xếp, bố trí thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ thành một lực lượng chung. Như vậy, có thể hiểu dự thảo luật chỉ điều chỉnh đối với ba lực lượng là bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách, không điều chỉnh đối với các tổ chức quần chúng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhưng không tự nguyện tham gia vào các lực lượng này.
Với phạm vi điều chỉnh như vậy, đại biểu Bùi Thị Thủy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đảm bảo điều chỉnh đầy đủ và bao quát các đối tượng trực tiếp tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Điều 8 đến Điều 15 quy định một trong những mục đích của việc ban hành dự án luật là nhằm thực hiện sắp xếp, bố trí thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, do vậy đa số nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại dự thảo luật chủ yếu được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành về nhiệm vụ của công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng. Đại biểu Bùi Thị Thủy đề nghị chỉnh lý theo hướng bổ sung cụm từ “phối hợp tham gia” vào trước các nhiệm vụ để phân biệt với nhiệm vụ của công an xã chính quy.
Theo quy định của dự thảo luật, lực lượng này được giao tham gia phối hợp nhiều nhiệm vụ chính của công an cấp xã và có nhiều nhiệm vụ có phạm vi tác động lớn, có khả năng tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân hoặc có khả năng gây nguy hiểm cho lực lượng này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Bùi Thị Thủy chỉ rõ, ở Điều 13 khi nhận được tin báo có vụ việc về an ninh, trật tự, lực lượng này phải kịp thời có mặt, tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc để vận động nhân dân tham gia hỗ trợ giải quyết, bảo vệ hiện trường, phối hợp cùng lực lượng chức năng truy bắt người phạm tội đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đang lẩn trốn, v.v. Trong đó, từng trường hợp thì mức độ vi phạm, phương thức, cách thức tham gia phối hợp của lực lượng này với các lực lượng khác để thực hiện nhiệm vụ chưa được quy định rõ trong dự thảo luật, “điều này dễ dẫn đến việc thực hiện tùy nghi và không thống nhất trên thực tế”, đại biểu Bùi Thị Thủy nhận định.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban chủ trì soạn thảo quy định rõ phạm vi, mức độ, phương thức, cách thức thực hiện tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ, cũng như nguyên tắc, cách thức điều động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo thống nhất trong việc chỉ đạo, phân công thực hiện nhiệm vụ. Tránh trường hợp lực lượng này làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an xã chính quy, cũng như có thể dẫn đến việc xâm phạm trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân hoặc có khả năng gây nguy hiểm cho lực lượng này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Thị Thủy cho rằng cần làm rõ sự cần thiết, nội dung và tính khả thi của một số nhiệm vụ được giao trực tiếp cho lực lượng này như nắm thông tin về hộ khẩu, nhân khẩu, tình hình biến động dân cư, những người ở nơi khác đến làm ăn, sinh sống chưa đăng ký thường trú, tạm trú, nắm số lượng cơ sở hoạt động, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tại khoản 1 Điều 11. Vì đối với các lực lượng này, cơ quan chức năng nắm thông tin số liệu thông qua hoạt động đăng ký theo quy định của pháp luật và có cơ sở, công cụ để kiểm tra, theo dõi dễ dàng hơn so với việc giao nhiệm vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Hơn nữa, việc quy định các nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng cần đặt trong bối cảnh xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc nắm thông tin của lực lượng Công an nhân dân.
Về tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Điều 5, theo đại biểu Bùi Thị Thủy, quy định tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo luật chỉ mang tính chung chung, như có trình độ văn hóa và nơi cư trú ổn định.
“Tôi thấy rằng, quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn công dân và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là vấn đề quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng, đặc biệt, khi lực lượng này tiếp tục được giao một nhiệm vụ, quyền hạn tương đối phức tạp, được thực hiện một số hoạt động có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân”, đại biểu Bùi Thị Thủy nói.
Hơn nữa, việc bổ sung quy định trình độ, tiêu chuẩn của lực lượng này để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của lực lượng này cũng là một trong những chính sách lớn đề nghị xây dựng luật. Do đó, đại biểu Bùi Thị Thủy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tiễn về chất lượng của lực lượng này, tình hình đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó, quy định ngay tại dự thảo luật về tiêu chuẩn, về trình độ học vấn của công dân khi tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng như các tiêu chuẩn khác cần thiết để đảm bảo, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại Chương II của dự thảo luật.