Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Quang Thành đánh giá cao kết quả đạt được năm 2020 và trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo Báo cáo của Chính phủ, trong 4 năm đầu 2016 - 2019 đã thực hiện, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là Covid-19, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ đã kiểm soát được dịch bệnh và từng bước phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội và đã được cộng đồng quốc tế và trong nước đánh giá cao. Dự kiến năm 2020, có 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Đại biểu Dương Quang Thành cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án điện, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt khuyến khích đầu tư tư nhân. Nhờ đó, đáp ứng được nhu cầu cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong các năm qua và tạo tiền đề để phát triển cung ứng điện cho các năm tới.
Đại biểu Dương Quang Thành – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Các ngành tiêu thụ ít năng lượng như chế biến, chế tạo tăng làm cho hệ số đàn hồi và cường độ năng lượng giảm. Trong đó, hệ số đàn hồi điện trên GDP giảm từ 1,75 lần năm 2015 xuống còn khoảng 1 lần năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra và ngang bằng với chỉ tiêu của các nước phát triển. Năng suất lao động của ngành điện tăng bình quân là 8,5%, công nghiệp sản xuất điện năng, tăng cả quy mô và chất lượng và hiện nay đã vươn lên đứng thứ 2 khu vực ASEAN. Trong đó, nguồn năng lượng sạch như năng lượng điện mặt trời, gió, công suất đạt gần 8000 MW năm 2020, chiếm khoảng 14% tổng công suất của hệ thống, cơ cấu đầu tư đã chuyển dịch, tổng vốn đầu tư toàn ngành điện năm 2020 chiếm hơn 10% tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư tư nhân chiếm gần 60% trong đầu tư toàn ngành.
Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam cải thiện hằng năm, đến năm 2019 xếp thứ 27/190 quốc gia nền kinh tế và thứ tư của khu vực ASEAN, góp phần đưa năng lực cạnh tranh quốc gia thu hẹp khoảng cách đáng kể so với khu vực ASEAN. Hơn 87% số xã đạt tiêu chí về điện trong bộ tiêu chí đạt nông thôn mới. Sản xuất điện đã đảm bảo môi trường, trong đó việc xử lý tro xỉ của các nhà máy điện than đã có những chuyển biến tích cực, tiêu thụ điện tro xỉ năm 2020 đã đạt 80% vượt chỉ tiêu của năm 2025 do Chính phủ đề ra.
Về kế hoạch năm 2021 và năm 2021-2025, đại biểu Dương Quang Thành thống nhất với các chỉ tiêu chính trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, định hướng năm 2021-2025 và các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ đề ra trong thực hiện Kế hoạch 2021 và giai đoạn 2021-2025. Trong báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có đưa ra nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021-2025, kể cả trong trường hợp nhu cầu tăng cao.
Để đảm bảo phát triển hạ tầng điện lực tạm ứng nhu cầu điện đi trước một bước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, đại biểu Dương Quang Thành kiến nghị Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù cho phát triển điện, vì các dự án điện là mang tính đặc thù với thời gian gia xây dựng dài, sản xuất và tiêu thụ mang tính đồng thời và nguồn và lưới điện phải phát triển đồng bộ.
Bên cạnh đó, sửa đổi Luật Điện lực, trong đó bổ sung điều chỉnh các quy định về tái cơ cấu ngành điện, quy định về quản lý nhà nước, về lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối, khuyến khích đầu tư tư nhân và phát triển điện lực.
Theo đại biểu Dương Quang Thành, Chính phủ cần sớm ban hành chiến lược phát triển năng lượng, chiến lược phát triển ngành điện quốc gia trên cơ sở Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị, trong đó xác định nguồn năng lượng sơ cấp làm nền tảng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn đối với các dự án điện như hiện nay, như là ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA, vốn vay nước ngoài, bảo lãnh Chính phủ cho các dự án điện trọng điểm. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật đảm bảo tính đồng bộ và giảm bớt thủ tục trong công tác đầu tư xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đền bù giải phóng mặt bằng.
Cuối cùng, cần khuyến khích phát triển ngành kinh tế ít tiêu thụ năng lượng, hạn chế phát triển các tiêu các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng mà tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt luật được hiệu quả.