Tại Hội thảo, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, Quốc hội Việt Nam với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bên cạnh chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước còn thực hiện quyền giám sát. Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện thông qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Đoàn ĐBQH và các đại biểu Quốc hội.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Quốc hội đã thực hiện một số hoạt động giám sát liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công . Từ hoạt động giám sát đã có những đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, đặc biệt đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tài, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quả lý, sử dụng tài sản công;… Tuy nhiên, trong nội dung cũng như phương thức giám sát vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Trên cơ sở phân tích, làm rõ thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ở Việt Nam, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát:
Thứ nhất, tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, đặc biệt cần tập trung vào hai hình thức giám sát là giám sát theo chuyên đề và giám sát thông qua chất vấn. Trong thời gian tới, nghiên cứu tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề về các nội dung quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, được dư luận xã hội quan tâm: việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo; hiệu quả giám sát cảu cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công;…
Thứ hai, tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động giám sát và hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công. Hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần xác định nhằm cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, do đó, các kiến nghị, đề xuất sau giám sát cần được nghiên cứu nâng lên thành các chính sách để Quốc hội tiến hành xem xét, có giải pháp cụ thể. Chú trọng hoạt động giám sát đối với việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Thứ ba, đối với hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để hạn chế tối đa những khó khăn cho các cơ quan chịu sự giám sát, các địa phương cũng như các cơ quan hữu quan trong việc tham mưu, tổ chức phục vụ, trong thời gian tới, ngay từ khi lựa chọn chuyên đề giám sát, cần xem xét phạm vi về thời gian cho phù hợp; sớm kiện toàn tổ chức, triển khai công tác chuẩn bị các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội để tránh dồn dập vào cùng một thời điểm, tránh tạo áp lực đối với cơ quan chịu sự giám sát.
Thứ tư, đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội cần tăng cường tranh luận đến cùng với các thành viên Chính phủ về những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi, trọng tâm chất vấn.
Thứ năm, tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đốiv ới việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Hội đồng Dân tộc và mỗi Ủy ban của Quốc hội được phân công phụ trách một mảng công việc chuyên môn khác nhau, đều có liên quan nhất định tới quản lý, sử dụng tài sản công. Do đó, việc Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát cập Hội đồng/Ủy ban sẽ bảo đảm tính chuyên môn sâu, cũng như tập hợp được đa góc độ về hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công. Trong điều kiện Quốc hội hoạt động không thường xuyên, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong hoạt động giám sát.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng kiến nghị: Cần đa dạng hóa phương thức cũng như nâng cao chất lượng cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội để thực hiện các nhiệm vụ của người đại biểu; Chú trọng vấn đề hậu giám sát.