ĐBQH TRẦN HỒNG NGUYÊN: CẦN ĐẦU TƯ TRANG THIẾT BỊ ĐỂ ĐẢM BẢO CÔNG TÁC Y TẾ ĐƯỢC PHỦ RỘNG TRÊN CÁC VÙNG XA, KHÓ KHĂN

14/01/2021

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường đầu tư cho ngành Y tế để phòng chống dịch bệnh phục vụ nhân dân.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho biết, qua tiếp xúc, cử tri đánh giá rất cao các kết quả đạt được vừa qua trong thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh các nước tăng trưởng âm, Việt Nam có tăng trưởng dương khoảng 2%, là nỗ lực lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, các ngành trong thời gian qua.

Nhất trí với nhiệm vụ khẩn trương lập, ban hành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng cần phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch hiện nay.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Đây là điều kiện quan trọng để khơi dậy, động viên, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước và là cơ sở để địa phương sớm triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội”, nữ đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận khẳng định.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên cho biết, thời gian qua, các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực chồng lấn titan tại địa bàn Bình Thuận tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn, gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh đã rà soát và có báo cáo đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền đề nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Vì vậy đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm sớm hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ các quy hoạch nêu trên. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để địa phương triển khai thực hiện.

Nhất trí với chủ trương đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng thông qua biện pháp này sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu của người dân.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân trên huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận nói riêng và một số huyện đảo khác nói chung cho thấy tình trạng hiện nay, các huyện đảo gặp rất nhiều khó khăn khi khám và điều trị do máy móc, thiết bị y tế còn thiếu thốn, trình độ của nhiều bác sĩ tại bệnh viện chưa đáp ứng được yêu cầu. Đối với một số loại bệnh thì bệnh nhân phải điều trị thường xuyên nhưng phải vào đất liền để điều trị, điều này đã gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.

Cử tri mong muốn Bộ trưởng Bộ Y tế sớm rà soát tổng thể việc đầu tư trang thiết bị và xây dựng đội ngũ cán bộ cho các bệnh viện tại các huyện đảo trên cả nước, để từ đó có các biện pháp xử lý những tồn tại, khó khăn tại các địa bàn này”, đại biểu Trần Hồng Nguyên nói.

Đồng thời, đại biểu kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm tới việc đầu tư công nghệ số trong y tế, trong khám, chữa bệnh từ xa tại các địa bàn huyện đảo để nhân dân được tiếp cận với những bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong khám và điều trị đối với những loại bệnh khó, hiểm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho nhân dân.  

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định cụ thể các chính sách đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017, nhất là các chính sách đầu tư của Nhà nước đối với cảng cá loại 1, loại 2, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hạng mục hạ tầng thiết yếu cho khu bảo tồn biển và chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề, nhằm giảm khai thác thủy sản ven bờ và hỗ trợ cho các địa phương vùng biển còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang thực hiện các giải pháp khắc phục, khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng.

Mặt khác, thực tiễn tại nhiều tỉnh thành ven biển trong cả nước cho thấy vấn đề quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động xuất bến ngoại tỉnh đang bộc lộ nhiều bất cập như không nắm được tình hình lao động trên tàu, hành trình neo đậu, xuất nhập bến khi tàu đi ra ngoài tỉnh, không khai báo với lực lượng chức năng hoặc né tránh việc kiểm tra, kiểm soát tại địa phương nơi đến.

Đây là những đối tượng có nguy cơ rất cao vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, gây nhiều hệ lụy cho cả địa phương, nơi đi, nơi đến, ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả nước”, đại biểu Trần Hồng Nguyên nói.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua đã có một số tỉnh ký quy chế phối hợp quản lý tàu cá giữa các địa phương, nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao, vẫn còn tình trạng tàu cá tỉnh này xuất bến tại tỉnh kia, vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Do vậy theo đại biểu Trần Hồng Nguyên, cần có sự chỉ đạo thực hiện thống nhất về trách nhiệm của các tỉnh, thành phố ven biển trong việc quản lý, kiểm soát tàu cá từ các tỉnh, thành phố đến hoạt động lưu trú, xuất bến tại địa phương mình.  

Từ thực tiễn trên, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung quy định về thủ tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá hoạt động tại vùng lộng, vùng khơi. Quy định trách nhiệm cụ thể của địa phương, nơi có tàu cá đi và nơi địa phương có tàu cá ngoài tỉnh hoạt động neo đậu, xuất bến tại Nghị định số 26 ngày mùng 8/3/2019 của Chính phủ. Đồng thời, bổ sung các biện pháp, chế tài để xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm được quy định tại Nghị định số 42 ngày 15/4/2019 của Chính phủ.  

Hồ Hương