Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS khi Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới, đại biểu Triệu Thanh Dung góp ý thêm một số ý kiến vào dự án Luật như sau:
Thứ nhất, về Quỹ hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV (gọi tắt là Quỹ tại Điều 44), đại biểu đồng tình với đề xuất bãi bỏ quỹ và không tiếp tục quy định trong luật của Chính phủ vì những lý do như sau:
Từ khi thành lập đến nay Quỹ đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, có tổ chức, phân công nhiệm vụ rõ ràng, thực hiện được một số nhiệm vụ như tổ chức các hoạt động tuyên truyền, ủng hộ Quỹ, tiếp nhận các khoản đóng góp, tài trợ, tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho người nhiễm HIV, thực hiện các khoản tài trợ, hỗ trợ có mục đích, có đối tượng và địa chỉ cụ thể theo sự ủy quyền của các tổ chức, cá nhân tài trợ trong và ngoài nước. Tuy nhiên theo đại biểu Triệu Thanh Dung, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng hoạt động của Quỹ còn nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đạt được mục đích thành lập quỹ, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về tổ chức bộ máy, quỹ được Bộ Y tế xác định là đơn vị sự nghiệp nhưng không nêu rõ loại hình, không có chỉ tiêu viên chức, tất cả các cán bộ làm việc cho quỹ đều kiêm nhiệm nên rất hạn chế về thời gian tham gia. Mặt khác, Quỹ không có khả năng thu hút người có năng lực và làm việc chuyên trách tại quỹ.
Đại biểu Triệu Thanh Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.
Thứ hai, về huy động nguồn lực cho quỹ trong những năm qua, số tiền và hiện vật quỹ huy động được là không nhiều, phạm vi và mức độ tài trợ của quỹ rất hạn hẹp, không tạo được dấu ấn trong cộng đồng và xã hội. Đại biểu Triệu Thanh Dung cho biết, trong vòng 12 năm từ năm 2008 đến năm 2020, quỹ mới chỉ huy động được hơn 5,7 tỷ đồng, trung bình là 480 triệu/1 năm. Những năm gần đây, số tiền huy động có xu hướng giảm, cá biệt có những năm chỉ huy động được vài chục triệu đồng, như năm 2016 là 69 triệu đồng, năm 2017 là 59 triệu đồng và năm 2019 chỉ có 11 triệu đồng.
Thứ ba, về nội dung hoạt động của quỹ, mặc dù mục đích chính thành lập quỹ là hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm, nhằm hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận dịch vụ điều trị HIV và tổ chức chăm sóc giảm nhẹ cho người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn nặng của bệnh mà không có nơi nương tựa. Tuy nhiên những năm qua, hoạt động của quỹ chủ yếu là tặng quà, mua sữa thay thế, mua thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ nhiễm HIV từ 6 đến 15 tuổi. Còn đối với việc chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn tài trợ. 2 năm gần đây Chính phủ đã có chính sách chuyển nguồn hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ nhà tài trợ sang sử dụng quỹ bảo hiểm y tế nên kinh phí quỹ dành cho mục đích chính này không đáng kể. Mặt khác, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã bào chế được nhiều loại thuốc tốt, không có bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối và người nhiễm HIV dùng thuốc vẫn khỏe mạnh bình thường, do đó hiện nay không có bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn nặng để chăm sóc. Chính vì vậy, dù kinh phí huy động được cho quỹ thấp nhưng các hoạt động chi của quỹ hạn chế và số tiền chưa chi được lại rất nhiều. Trong 5,7 tỷ huy động được mới chỉ chi được 3,4 tỷ, vẫn còn tồn 2,3 tỷ chưa sử dụng hết, tỷ lệ là 40,3%.
Thứ tư, về tình hình hoạt động của quỹ ở các tỉnh. Đến nay, cả nước chỉ có 10 tỉnh, thành phố thành lập được quỹ nhưng đều khó khăn trong huy động nguồn lực và tổ chức hoạt động. Mô hình tổ chức hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại các địa phương có nhiều thay đổi theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương, do vậy hệ thống HIV/AIDS tuyến tỉnh hầu hết đã sáp nhập theo mô hình Trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, thành phố. Một số tỉnh sau khi sáp nhập đã giải thể và đóng quỹ hoặc chuyển đổi mô hình quỹ.
Từ những phân tích trên, đại biểu Triệu Thanh Dung cho rằng việc duy trì một quỹ ngoài ngân sách để phục vụ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS như hiện nay là không cần thiết. Do vậy đại biểu bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ là thay đổi mô hình Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV cũng như các quỹ tương tự theo hướng thành lập một quỹ chung của bộ. Quỹ chung đó sẽ tiếp tục thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV và các nhiệm vụ này sẽ được thay đổi để phù hợp hơn trong tình hình mới.
Về việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin, sửa đổi, bổ sung Điều 30, đại biểu Triệu Thanh Dung đồng tình với việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin là cần thiết, tuy nhiên theo đại biểu mở rộng ra nhiều đối tượng như dự thảo luật đang trình Quốc hội là quá rộng. Cụ thể là mở rộng đến cán bộ làm công tác giám sát dịch HIV/AIDS, giám định viên bảo hiểm y tế, cán bộ làm công tác công nghệ thông tin, cán bộ làm công tác tài chính, làm công tác kế hoạch của cơ sở khám, chữa bệnh. Đại biểu lo ngại điều này sẽ tác động đến tâm lý của người nhiễm HIV/AIDS. Đại biểu Triệu Thanh Dung cho biết, trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Y tế sau khi khảo sát ý kiến của 1800 người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn 27,8% không đồng ý với quy định này do tâm lý sợ bị lộ. Theo đại biểu, có thể một số nhóm cán bộ không được tiếp cận thông tin về người nhiễm sẽ gặp khó khăn trong công việc nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được. "Chúng ta nên đặt mong muốn, nguyện vọng của người nhiễm HIV/AIDS lên trên hết để tạo điều kiện tốt nhất điều trị, chăm sóc cho họ", đại biểu Triệu Thanh Dung nêu ý kiến. Đại biểu kiến nghị chọn giải pháp 2 trong Báo cáo đánh giá tác động số 1485 của Bộ Y tế là chỉ quy định cho phép một số cán bộ bảo hiểm y tế được quyền tiếp cận thông tin liên quan đến giám định hồ sơ bệnh nhân, để đảm bảo người nhiễm được khám, điều trị thuốc ARV thông qua Bảo hiểm y tế.
Về thời điểm thông qua luật, đại biểu Triệu Thanh Dung cho rằng hồ sơ dự án luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, nội dung dự thảo luật cơ bản nhận được sự đồng thuận, không còn nhiều ý kiến khác nhau nên có thể thông qua theo quy trình một kỳ họp.