Đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng thảo luận trực tuyến
Phát biểu từ điểm cầu Đoàn đại biểu TP.Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Bá Sơn bày tỏ đồng tình với nội dung các Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan Tư pháp về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng được trình bày tại phiên họp lần này. Đại biểu cho rằng, về cơ bản, các báo cáo đã nói rõ, phản ánh đầy đủ về các mặt công tác, các chỉ tiêu đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, những nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra rõ những thiếu sót của Chính phủ trong việc chưa đánh giá được tổng thể tình hình xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc. Việc triển khai thực hiện một số kiến nghị của Ủy ban Tư pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm còn chậm. Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân chưa làm rõ được nguyên nhân của một số mặt công tác, chưa đạt được chỉ tiêu như nghị quyết của Quốc hội giao. Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân chưa chỉ ra được những nguyên nhân chủ quan làm tác động trực tiếp đến chất lượng hoạt động của Tòa án trong công tác xét xử, đặc biệt là xét xử các vụ án hình sự và hành chính.
Chưa đưa ra được nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng số vụ án kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng cao
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng các báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều đưa ra được một nhận định chung về số lượng các vụ án, đặc biệt là các vụ án hình sự bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm còn cao và có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhưng mới chỉ dừng lại ở những nhận định mà chưa chỉ ra được những nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Đặc biệt, báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đã chỉ ra những vi phạm pháp luật trong tố tụng, mà chủ yếu là vi phạm trong khâu hoạt động điều tra. Tuy thống kê, phân tích không nêu những vi phạm này rơi vào ở cấp điều tra nào, nhưng chắc chắn cao hơn so với năm 2019 và những vi phạm này lại tập trung chủ yếu vào các hoạt động như: thực nghiệm điều tra, nhận dạng, trưng cầu giám định, giám định, định giá tài sản, lấy lời khai bị can và người làm chứng. Đại biểu kiến nghị cần làm rõ những nội dung trên để có giải pháp khắc phục.
Dẫn lại nội dung báo cáo thẩm tra: lợi dụng dịch bệnh COVID-19, cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống dịch lại có hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ cho phòng, chống dịch. Kết quả điều tra vụ án xảy ra CDC Hà Nội cho thấy các can phạm đã nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần giữa lúc cơn đại dịch đang bùng phát rất mạnh, đang được các cơ quan chức năng hoàn tất các trình tự thủ tục ở giai đoạn cuối cùng. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đặt vấn đề điều đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ đó là có hay không có việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế trong vụ việc này hình thành một mặt bằng giá thiết bị y tế để đẩy các CDC của các địa phương và tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ, vì không còn con đường nào khác. Vậy những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người? Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, để cho dân nhờ.
Các cơ quan tư pháp có câu trả lời về tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp
Báo cáo cũng phản ánh tỷ lệ giải quyết tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố là 86,84% chưa đạt yêu cầu so với Nghị quyết 96 của Quốc hội đề ra. Cơ quan điều tra ở một số địa phương tiếp nhận, xác minh, giải quyết tố giác tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố còn chưa đúng quy định, 471 tin báo tố giác tội phạm kiến nghị quá thời hạn giải quyết chiếm 0,33%. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phát hiện nhiều vi phạm và yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố là 791 vụ án, tăng 63%, trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 22 vụ án, yêu cầu cơ quan điều tra hủy quyết định khởi tố vụ án là 30, có 72 quyết định không khởi tố vụ án, hủy 62 quyết định khởi tố vụ án. Đồng thời kiến nghị của Viện kiểm sát yêu cầu các cơ quan khắc phục các vi phạm tăng 4,7% trong năm.
Cùng với đó việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến số trường hợp Viện kiểm sát các cấp phê chuẩn không phê chuẩn tăng mạnh so với năm 2019. Viện kiểm sát không phê chuẩn 136 trường hợp bắt khẩn cấp tăng 22,5%, có 186 trường hợp gia hạn tạm giữ tăng 8,1%, có 242 lệnh tạm giam, 153 lệnh bắt tạm giam bị can phải hủy, hủy 716 quyết định tạm giữ tăng 10,15%, số người bị tạm giữ chết do tự sát và số người bị tạm giữ, tạm giam trốn khỏi nơi tạm giam, tạm giữ tăng so với năm 2019.
Chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ. Số bị can khởi tố oan giảm so với năm 2019, nhưng vẫn còn 18 trường hợp bị can bị đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc không có hành vi cấu thành tội phạm và hết thời hạn điều tra, nhưng không chứng minh được hành vi tội phạm.
Đại biểu đánh giá báo cáo của Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra bức tranh toàn diện của công tác tư pháp hình sự trong năm qua. Công tác giám sát của Ủy ban Tư pháp đối với lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó cho thấy, mặc dù Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp đã quan tâm, ban hành nhiều luật, các văn bản dưới luật để không ngừng hoàn thiện công tác này. Công tác tư pháp, đặc biệt là công tác tiến hành tố tụng có nhiều cố gắng đã đem lại những kết quả nhất định.
Song, những vi phạm trong hoạt động tố tụng của các cấp vẫn còn nhiều sai phạm ở nhiều cấp tố tụng, ở các khâu tố tụng khác nhau đều tăng. Tất cả những nội dung này cần được chỉ ra những nguyên nhân nội tại của các cơ quan tiến hành tố tụng và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong kỳ họp Quốc hội nhiệm kỳ vừa rồi nhiều Quốc hội đại biểu đề cập và đều nêu câu hỏi về một vấn đề nhưng chưa được các cơ quan tư pháp có câu trả lời, đó là tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp. Thực tiễn cho thấy tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tư pháp chưa được đề cao một cách triệt để. Việc vi phạm trong hoạt động tố tụng mới chỉ dừng lại ở mức độ xử lý vi phạm của các cá nhân là những chức danh tư pháp, nhưng điều quan trọng hơn cả và mang tính quyết định, tác động lớn đến toàn bộ đời sống xã hội vẫn là những vi phạm trong hoạt động tố tụng cần phải xem xét, khôi phục trật tự đúng quy định của pháp luật chưa được coi trọng, chưa đặt đúng vị trí của vấn đề. Một nền tư pháp vững mạnh là nền tư pháp ở đó trước hết tính tuân thủ của hoạt động tố tụng phải đặt lên hàng đầu và chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tiệm cận đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân và vì dân.