ĐBQH NGUYỄN THANH HIỀN: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT VỀ GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN HỒ ĐẬP, HỒ CHỨA NƯỚC

30/10/2019

Tại phiên họp toàn thể chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, đã đưa ra ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước. Theo đại biểu Quốc hội, hiện có 1.200 hồ đập lớn đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp hoặc không đảm bảo khả năng xả lũ. Riêng năm 2017 có 23 sự cố vỡ tràn đập, rất nguy hiểm.

Hàng nghìn hồ đập hư hỏng, xuống cấp

Những năm gần đây, Việt Nam thực hiện chương trình an toàn hồ chứa, cùng với đó là dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn hồ đập vay vốn Ngân hàng thế giới gần 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình tại 35 tỉnh thành phố cả nước. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định gói 500 tỷ đồng để các địa phương gia cố nâng cấp các hồ thủy lợi xuống cấp. Theo đó, 10 năm qua, trên 600 hồ đập được nâng cấp, nhất là hồ đập lớn.

Hàng nghìn hồ đập hư hỏng, xuống cấp

Bên cạnh hàng trăm hồ đập được nâng cấp vẫn còn hàng nghìn hồ đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp hoặc không đảm bảo an toàn. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Hiện cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 1.200 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ do thấm thân đập hoặc nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở tiêu năng. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa có số lượng hồ đập lớn thứ hai cả nước với hơn 600 hồ đập, nhưng có tới 80% hồ đập của địa phương này đang xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, không có khả năng phòng lũ.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ năm 2008 đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 50 sự cố về đập, hồ chứa. Riêng năm 2017 do ảnh hưởng liên tiếp từ những trận mưa lớn đã xảy ra sự cố vỡ, sạt lở nặng có nguy cơ vỡ ở 23 hồ, đập trên địa bàn 11 tỉnh.

PGS.TS. Trương Mạnh Tiến: Do phần lớn các hồ thủy lợi đều là đập đất được xây dựng từ lâu nên hư hỏng, xuống cấp 

PGS.TS. Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, cho biết: Do phần lớn các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đều là đập đất được xây dựng, bồi đắp từ 40 đến 50 năm trở về trước trong điều kiện thiếu kinh phí, thiếu kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế và đặc biệt là ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu nên nhiều hồ đập tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Một số hồ nhỏ chưa được lập quy trình vận hành; kiểm định an toàn, thiếu thiết bị quan trắc. Bên cạnh đó phần lớn các hồ chứa nước nhỏ được giao cho cấp huyện, xã quản lý, song năng lực quản lý, vận hành chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến không phát hiện và kịp thời xử lý các hư hỏng...

Song song với những hồ đập không đảm bảo an toàn đang hiện hữu, thì những bài học về sự cố hồ đập trong và ngoài nước thời gian qua chưa bao giờ hết tính thời sự và luôn là bài học cảnh tỉnh cho chúng ta về an toàn hồ đập. Điển hình như năm 2016 chúng ta đã từng chứng kiến ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2, tỉnh Quảng Nam bị vỡ. Hơn 200 triệu mét khối nước đã cuốn trôi hoa màu, nhà cửa của hàng trăm hộ dân sống dọc sông Bung. Tháng 9/2018, tại tỉnh Lào Cai cũng đã xảy ra sự cố vỡ đập bãi thải của Nhà máy DAP số 2 thuộc Công ty Cổ phần DAP số 2 – (Tập đoàn hóa chất Việt nam), tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Dù sự cố không gây thiệt hại về người, nhưng khoảng 45.000 mét khối nước thải và bùn tràn ra ngoài môi trường, làm ảnh hưởng đến gần 40 hộ dân

Năm 2018, sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào đã khiến hơn 5 tỉ mét khối nước đổ ập xuống và cuốn trôi hàng ngàn ngôi nhà, hàng trăm người chết và mất tích. Cuộc sống của hàng nghìn người dân bỗng rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Đầu năm nay, một vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại phía Đông Nam của Brazil cũng đã khiến hàng nghìn mét khối bùn và nước đổ xuống khu vực dân cư, hàng trăm người đã mất tích và chết.

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn trả lời chất vấn của đại biểu

Trước hàng nghìn hồ đập đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp hoặc không đảm bảo khả năng xả lũ, ngày 31/10/2018 chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn về vấn đề này.

Giải trình trước Quốc hội về nội dung đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận nhiều hồ đập đang xuống cấp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, an toàn hồ đập là rất quan trọng. Riêng hồ thủy lợi hiện có hơn 6.300 hồ với tổng dung tích khoảng 13 tỷ m3. Về hồ lớn có 820 hồ với công suất từ 3 triệu m3 trở lên. Hồ nhỏ có hơn 5.000 hồ với công suất dưới 3 triệu m3.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn manh: 10 năm qua, chúng ta đã dồn sức khoảng 13.000 tỷ để sửa chữa cơ bản cho hơn 800 trăm hồ lớn đảm bảo sử dụng tốt. Trong số hơn 5.000 hồ nhỏ, có khoảng hơn 1.700 hồ là không đảm bảo an toàn.

Hồ thủy lợi, thủy điện có vai trò đặc biệt quan trọng trong tích nước chống hạn, cắt lũ, bảo đảm an toàn vùng hạ du… nhưng đây cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa nếu xảy ra sự cố. Hiện còn khoảng 1.200 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp. Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cùng các tỉnh rà soát trình Thủ tướng Chính phủ để thời gian tới từng bước khắc phục vấn đề này. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ cố gắng cùng với các địa phương bảo đảm an toàn hồ đập, bảo đảm sản xuất, đời sống của người dân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền: Ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp công trình hồ đập

Ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp công trình hồ đập

Như khẳng định của trưởng ngành nông nghiệp, từ kỳ họp thứ 6 đến nay, dù vẫn còn rất nhiều hồ đập xuống cấp, hư hỏng, song với sự vào cuộc tích cực từ phía Chính phủ, các bộ ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn cố gắng cùng các địa phương tích cực gia cố, sửa chữa hồ đập kém chất lượng để bảo đảm an toàn hồ đập, bảo đảm sản xuất và đời sống người dân. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng lớn và sự khắc phục không thể trong môt sớm môt chiều nên bên cạnh hồ đập được gia cố, nâng cấp thì vẫn còn những hồ đập, hồ chứa nước đang tiềm ấn nguy cơ thiếu an toàn. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An về nội dung này:

Phóng viên: Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, là một trong nhiều đại biểu đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Xin đại biểu cho biếu nội dung chất vấn của đại biểu tập trung ở khía cạnh nào?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Trước tình trạng nhiều địa phương có rất hồ đập xuống cấp khá nghiêm trọng, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 6, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về giải pháp để đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước. Vì theo tôi, nếu không có giải pháp tập trung để khắc phục sửa chữa, gia cố, nhất là vào mùa mưa bão thì sự xuống cấp của hồ đập, hồ chứa nước rất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Phóng viên: Ngay sau chất vấn của đại biểu, tư lệnh ngành nông nghiệp đã trực tiếp trả lời. Với vai trò là đại biểu dân cử, đại biểu có ý kiến như thế nào về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Tôi rất đồng tình với cách nhìn nhận và trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn từ quan điểm cho tới giải pháp. Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã khảo sát khá đầy đủ về hiện trạng hồ đập hiện nay trên địa bàn cả nước trong đó có tỉnh Nghệ An và lựa chọn ra 1.200 hồ đập cần phải quan tâm để sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới. Và đặc biệt đã có đề xuất với chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gói 500 tỷ để quan tâm việc sửa chữa, khắc phục một số hồ đập có dấu hiệu hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng. Tôi thấy những giải pháp của Bộ trưởng đưa ra hết sức rõ và phù hợp trước nguồn kinh phí có hạn của nước ta.

Phóng viên: Thực tế hiện nay rất nhiều hồ đập đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp hoặc không đảm bảo khả năng xả lũ. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An:

Qua thực tiễn cho thấy, phần lớn hồ đập được xây dựng 30-40 năm, thậm chí 50 năm mà chủ yếu bằng đất sét nên khó tránh khỏi xuống cấp. Tuy nhiên, việc  nhiều hồ dập, hồ chứa nước không đảm bảo an toàn này cũng rất nguy hiểm nhất là vào mùa mưa lũ. Bởi nếu hồ đập không khắc phục được tình trạng hư hỏng, xuống cấp thì khi mưa bão đến việc tích nước không giữ được thì dẫn đến tràn đập, vỡ đập, vỡ hồ, làm ngập nhà cửa, cơ sở vật chất, ruộng đồng của người dân và làm ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ gia đình sinh sống xung quanh và dưới vùng hạ du. Khi hồ đập, hồ chứa nước hư hỏng thì cũng dẫn đến hệ thống hạ tầng cơ sở xung quang cũng xuống cấp theo, bởi các hồ đập hư hỏng rất dễ rò rỉ nước và ngấm sang các công trình bên cạnh. Nếu không có biện pháp chủ động gia cố, nâng cấp khắc phục nó còn gây nguy hiểm đến cả tính mạng của người dân.

Phóng viên: Nhằm đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, đại biểu có đề xuất, kiến nghị như thế nào?

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, gây mưa lũ bất thường thì những hồ đập xuống cấp được người dân ví như những “quả bom nước” có nguy cơ vỡ, nổ bất cứ lúc nào, đe dọa an toàn tính mạng của người dân vùng hạ du. Do đó việc gia cố, sửa chữa, nâng cấp các hồ đập cũ là việc làm cấp bách. Chúng ta phải rà soát lại những hồ đập đã xây dựng từ nhiều năm về trước để kịp thời phát hiện và có những biện pháp xử lý bằng kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo an toàn hồ đập. Bên cạnh đó phải xác định thứ tự ưu tiên và biện pháp mạnh để sửa chữa, đầu tư, nâng cấp những hồ đập không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, huy động nguồn lực người dân để tham gia vào. Đặc biệt nêu cao tính chủ động trước mùa mưa bão để tránh tình trạng khi đã xảy ra sự cố, thiệt hại thì mới lên tiếng. Song song với đó chúng ta cần phải tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

1.200 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều hồ không có trạm quan trắc cảnh báo an toàn, không đảm bảo khả năng xả lũ. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu và mưa lũ diễn biến bất thường như hiện nay thì con số này thực sự rất đáng báo động khi các hồ, đập được coi là một trong những công cụ hiệu quả nhất đối với việc sử dụng và quản lý tài nguyên nước. Qua bài học những sự cố vỡ đập ở trong nước cũng như các nước trên thế giới cho thấy, Việt Nam cần phải có những kịch bản lớn hơn và cụ thể hơn trong vấn đề an toàn hồ đập. Do vậy, việc xem xét ưu tiên nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình hồ chứa là việc làm cần thiết./.

Lê Phương