GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TỰ CHỦ BỆNH VIỆN - THIẾU VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

28/10/2019

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đến nay 100% đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ. Tuy nhiên, theo nhiều ĐBQH, quá trình thực hiện tự chủ cũng bộc lộ những tồn tại, bất cập, nhất là hành lang pháp lý về cơ chế tự chủ bệnh viện công lập còn chưa đầy đủ, khiến tự chủ ở nhiều nơi chỉ mang tính hình thức, chưa thực chất.

Thực hiện tự chủ bệnh viện giúp bệnh nhân có điều kiện được tiếp cận với dịch vụ và trang thiết bị tốt hơn.

100% bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức khác nhau

Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trong khám chữa bệnh chuyên ngành lao, bệnh phổi và chỉ đạo Chương trình dự phòng phòng chống lao quốc gia. Đây là mô hình đặc biệt của bệnh viện tuyến Trung ương, tương tự như ở các Trung tâm Y tế tuyến huyện, vừa có chức năng khám chữa bệnh, vừa có chức năng dự phòng. Bệnh viện có hơn 900 cán bộ y tế, 700 giường, khoảng 800 bệnh nhân nằm viện mỗi ngày. Bệnh viện bắt đầu thực hiện tự chủ từ đầu năm 2019, thuộc nhóm 2, tức là vận hành bệnh viện bằng kinh phí tự chủ.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, tự chủ có 3 vấn đề chính: thứ nhất là tự chủ về tài chính; thứ hai là tự chủ về nhân lực – cán bộ; thứ ba là liên quan đến cơ chế vận hành, làm thế nào để nguồn nhân lực phát huy tốt nhất (nguồn nhân lực cấp cao). Bệnh viện Phổi Trung ương rất ủng hộ chủ trương tự chủ bệnh viện, để ngành y tế phát triển trong điều kiện ngân sách hạn chế thì tự chủ bệnh viện là xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

Năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cuối năm 2018, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã thành lập Đoàn giám sát và tiến hành giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết này. Qua giám sát của Ủy ban cho thấy, đến năm 2018, đã có 100% bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức khác nhau, trong đó 0,4% bệnh viện tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, 27% bệnh viện tự chủ chi thường xuyên, 68% đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên và chỉ còn 4,6% bệnh viện thuộc nhóm Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Năm 2019, Chính phủ thực hiện tự chủ thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện đối với các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ đã làm thay đổi “diện mạo” của các bệnh viện công. Theo đó, nhiều bệnh viện công phát triển cả về quy mô và chất lượng với cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, giảm thủ tục hành chính; dịch vụ kỹ thuật chuyên môn y tế tại một số bệnh viện ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo an sinh xã hội và từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Giao quyền tự chủ mà không được tự chủ do thiếu văn bản hướng dẫn thi hành

Mặc dù 100% bệnh viện công được giao thực hiện tự chủ nhưng với những văn bản hiện hành, nhiều bệnh viện công đang lúng túng trong cách hiểu, cách vận dụng tự chủ bệnh viện, dẫn tới sự thiếu thống nhất, đồng bộ. Mặc dù chủ trương giao các bệnh viện tiến hành tự chủ về nhân lực, nhưng lại áp định mức giảm biên chế; giao tự chủ về tài chính nhưng việc mua sắm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh vẫn phải chờ phê duyệt qua nhiều cấp, nhiều ngành, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó là những bất cập trong công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, giao dự toán chi phí khám chữa bệnh chưa sát thực tế, thiếu căn cứ; công tác giám định bảo hiểm y tế còn qua nhiều khâu, nhiều tầng, nhiều thủ tục; cơ quan bảo hiểm xã hội ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế thiếu thống nhất dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh lúng túng và gặp nhiều khó khăn…

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Cũng như nhiều bệnh viện khác, không có cụ thể những vướng mắc về một văn bản mà là hệ thống văn bản liên quan đến tự chủ về tài chính, nhân lực và cơ chế vận hành. Văn bản tôi muốn nói ở đây là làm thế nào để bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chi trả kịp thời cho các bệnh viện cung cấp dịch vụ.  Bảo hiệm Xã hội và Bộ Y tế phải có hệ thống văn bản quy định cụ thể như thế nào là hợp lý. Chungs tôi cho rằng cần có hệ thống văn bản pháp luật để phân định thế nào là hợp lý. Cần quản lý đầu ra, thế nào là dịch vụ chuẩn, gồm những tiêu chí gì, ví dụ về xét nghiệm cần quy định rõ thế nào là xét nghiệm một cách hợp lý thông qua hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành. Hiện tại Bộ Y tế đã ban hành nhưng chưa phải là đầy đủ.

Đánh giá cao những kết quả thực hiện tự chủ bệnh viện công lập thời gian qua, tuy nhiên, tại phiên giải trình của Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bệnh viện công lập cũng nêu một loạt những những hạn chế, bất cập đang diễn ra. Đó là, hành lang pháp lý về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công còn chưa đầy đủ; thiếu quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, liên doanh, liên kết, về việc sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập. Nhiều bệnh viện được giao tự chủ song chưa tự chủ “thực chất” do còn nhiều ràng buộc liên quan đến bộ máy, con người, bố trí nhân sự và biên chế.

Nêu thực tế ở địa phương, bệnh viện được giao quyền tự chủ mà không được tự chủ, mọi hoạt đồng đều phải xin ý kiến từng cấp, gây khó cho hoạt động bệnh viện, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ băn khoăn về việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể là Thông tư 15/2007 của Bộ Y tế về liên doanh, liên kết đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh không còn phù hợp nhưng đến nay không có thông tư nào thay thế.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ

Cùng quan điểm nay, đại biểu Đặng Thuần Phong, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nêu dẫn chứng về Thông tư 71 từ năm 2006 đã lạc hậu, chưa khuyến khích được tiết kiệm để tăng thu nhập. Tự chủ nguồn thu chưa quy định đầy đủ, dẫn tới hiện tượng lạm thu, vượt thu, thu sai, thu trùng, thu không thuộc danh mục đang diễn ra tại các bệnh viện. Quy trình quản lý thuốc, vật tư tiêu hao chưa được ban hành, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của bệnh viện tiến hành tự chủ.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu phân tích bất cập từ cơ chế tự chủ đó là tình trạng lạm dụng chỉ định dịch vụ, kéo dài thời gian nằm điều trị, kê đơn, sử dụng thuốc biệt dược quá mức cần thiết, kê đơn thêm thực phẩm chức năng... với mục đích tăng nguồn thu cho bệnh viện làm ảnh hưởng quyền lợi của người bệnh, tăng chi phí khám bệnh, chữa bệnh không cần thiết cho người dân và gây mất cân đối Quỹ bảo hiểm y tế. Những bất cập này đã tồn tại trong một thời gian dài nhưng đến nay, vẫn chưa có một tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ để làm cơ sở cho các bệnh viện áp dụng:

Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Bộ Tài chính đến nay vẫn chưa ban hành được tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ làm cơ sở áp dụng mức giá cho phù hợp với chất lượng, từ đó dẫn đến chất lượng dịch vụ giữa các cơ sở y tế khác nhau, tạo ra sự không công bằng trong thanh toán và chi phí khám chữa bệnh của người dân. Đại biểu đặt câu hỏi đến khi nào Bộ Tài chính ban hành tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, làm cơ sở áp dụng mức giá cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người bệnh?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận

Đối với việc thực hiện tự chủ của các bệnh viện công cấp tỉnh, theo quy định hiện nay, việc quyết định mức giá, thời điểm áp dụng giá khám chữa bệnh không thanh toán từ quỹ Bảo hiểm y tế phải căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của UBND cấp tỉnh. Việc ban hành nghị quyết, và quyết định lại phải phải có quy trình, thời gian thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi Luật Giá quy định phải kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố cấu thành giá thay đổi. Chính việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm dẫn đến nhiều bệnh viện phải có 2 bảng giá: Giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh cho đối tượng không có bảo hiểm y tế.

Phân tích nguyên nhân khiến thực hiện tự chủ bệnh viện công còn nhiều bất cập được ông Nguyễn Tiến Quyết, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chỉ ra đó là do cơ chế, chính sách còn chung chung, với nhiều cách hiểu khác nhau nên dẫn tới việc áp dụng không thống nhất, đồng bộ. Vì vậy, Bộ Y tế cần phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết, rạch ròi cho từng loại bệnh viện, ở từng cấp, từ trung ương đến cơ sở để làm cơ sở áp dụng.

Ông Nguyễn Tiến Quyết cũng cho rằng, việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng cải cách tài chính công, với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tự chủ bệnh viện công sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh giữa các cơ sở y tế. Thế nhưng hiện vẫn còn thiếu nhiều chính sách để “quản” tự chủ, đang ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người bệnh cũng như thất thoát quỹ bảo hiểm y tế.

Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong thực hiện tự chủ bệnh viện

Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, nhưng nguồn lực nhà nước còn hạn chế, việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với bệnh viện công là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. Nhưng để chủ trương này thực sự hiệu quả; các chính sách, pháp luật cũng như vai trò chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan liên quan cần thay đổi như thế nào để tháo gỡ kịp thời những tồn tại vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải ? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, tự chủ bệnh viện công lập là bước đi tất yếu trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nhưng việc thực hiện tự chủ bệnh viện công thời gian qua đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

- Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Đến nay Nghị quyết 18 của Quốc hội 2008, vấn đề tự chủ đang đóng góp không nhỏ vào công tác khám chữa bệnh, nhưng cũng xuất hiện những vướng mắc, với những vấn đề cụ thể, ví dụ giá dịch vụ y tế giữa các bệnh viện công lập… Thực tế các địa phương, nhất là bệnh viện tuyến dưới nói là cho tự chủ nhưng thực chất mới giao tự chủ trên giấy, tức là hình thức còn nội dung còn thực chất quyền tự chủ về cán bộ, tài chính chưa thực chất. Điều đó gây khó khăn ở nhiều nơi, nhưng bên cạnh đó có nhóm vướng mắc do cơ chế tự chủ thuận lợi, cởi mở quá nên rất dễ bị lạm dụng, đặc biệt có nguy cơ lấy bớt những quyền lợi chân chính của người khám bảo hiểm y tế, đặc biệt là người nghèo, người yếu thế. Nguy cơ này đã xảy ra ở một vài nơi. Nguy cơ đó thậm chí cao hơn ở chỗ người ta cho rằng, có thể dẫn tới tư nhân hóa các bệnh viện công lập.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

- Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Hàng năm, Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đều tiến hành giám sát Quỹ Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và công tác khám chữa bệnh của các địa phương. Chính sách của đảng, nhà nước là đã từ lâu đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có khám chữa bệnh của ngành y tế. Vấn đề đổi mới đó được tiến hành bằng cách giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều ách tắc, khó khăn. Ý kiến cử tri rất khác nhau và nhiều vướng mắc. Đầu tiên, vướng mắc trong giao tự chủ này là hệ thống cơ chế chính sách, văn bản pháp luật của chúng ta thiếu, không đồng bộ, chưa sửa đổi kịp thời và chính sách chưa ra đời để đáp ứng yêu cầu.

Phóng viên: Trước hàng loạt những vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ bệnh viện hiện nay, đại biểu có đề xuất giải pháp gì để tháo gỡ, giúp việc thực hiện tự chủ bệnh viện hiệu quả hơn?

- Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Để giải quyết tình trạng này, tôi cho rằng các bộ ban ngành liên quan cùng với Bộ Y tế giải quyết, đó là Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, chính quyền các địa phương phải cùng chung tay. Cái thứ hai phải thực tiễn tại bệnh viện để tháo gỡ từng vấn đề cụ thể của từng bệnh viện. Thứ ba là cần sớm có nghị quyết để giải quyết, tạo hành lang pháp lý làm tự chủ ở tuyến dưới, giúp việc thực hiện tự chủ hiệu quả hơn.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

- Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Bộ Y tế, các bộ ngày liên quan phải tập trung nghiên cứu ban hành thể chế chính sách, đảm bảo yêu cầu của quá trình thực hiện tự chủ tài chính cho các cơ sở khám chữa bệnh. Thứ hai, những vướng mắc, tồn tại trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện ở các cơ sở khám chữa bệnh là chúng ta phải tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, thông qua ý kiến của nhân dân. Các bộ, ngành, lĩnh vực của mình điểm nào, nội dung nào làm chưa tốt, vận hành chưa đáp ứng yêu cầu, thực hiện chưa đúng chính sách, chúng ta phải tổ chức triển khai thực hiện cho đúng quy định. Thứ ba là người dân nắm được chính sách, chế độ của nhà nước để họ vừa được hưởng chính sách nhưng cũng giám sát để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Các bộ, ngành nhận thức rõ trách nhiệm, quy định của nhà nước, quy định của pháp luật thì phải tuân thủ, đáp ứng yêu cầu, làm sao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt nhất.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, chủ trương xã hội hóa, trong đó có cơ chế tự chủ bệnh viện công đã chính thức được triển khai thực hiện trong lĩnh vực y tế từ đầu những năm 2000 và đến nay đã đạt được một số kết quả nổi bật. Tuy nhiên, qua ý kiến của đại biểu Quốc hội có thể thấy, những giải pháp mà Chính phủ và ngành y tế triển khai thời gian qua vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Những hạn chế, bất cập chủ yếu là do một số bộ, ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm chủ trì của Bộ Y tế, một số địa phương chưa quyết liệt, chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước, nhất là công tác tham mưu đề xuất chính sách pháp luật và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần sớm sửa đổi và bổ sung những văn bản hướng không còn phù hợp với thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ tại các bệnh viện công trên toàn quốc./.

Lan Hương