Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình
Nội dung chất vấn:
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học có chức năng đào tạo các trình độ đại học, bao gồm: Trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Tuy nhiên, hiện nay một số trường đại học vẫn đang tuyển sinh và đào tạo trình độ cao đẳng, Bộ trưởng có bình luận gì? Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để hỗ trợ các trường cao đẳng tuyển sinh đạt hiệu quả?
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn:
Ngày 01/10/2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 4223/LĐTBXH – TCGDNN trả lời chất vấn đại biểu. Tại văn bản trả lời chất vấn nêu rõ:
1. Ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Tại khoản 2 Điều 1 Luật số 34/2018/QH14 đã bổ sung 1 quy định mới so với Luật Giáo dục đại học năm 2012 là “Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (đại học, thạc sỹ, tiến sỹ), hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng”.
Về áp dụng pháp luật: Theo quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Như vậy, theo quy định về áp dụng pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học 2018 cùng do một cơ quan ban hành (Quốc hội), cùng quy định về một đối tượng (cơ sở giáo dục đại học), cùng quy định về chức năng của cơ sở giáo dục đại học (các trình độ đào tạo của cơ sở giáo dục đại học) thì áp dụng theo quy định của Luật mới năm 2018.
Căn cứ quy định khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Luật số 34/2018/QH14, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và các trình độ đào tạo của giáo dục đại học, bao gồm: Trình độ đại học, trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ.
2. Để hỗ trợ các trường cao đẳng tuyển sinh đạt hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xác định việc tuyển sinh phải gắn với tuyển dụng, việc làm sau tốt nghiệp, gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
(1) Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, trong đó có các cơ chế chính sách cho người học tạo nhiều thuận lợi, ưu đãi, hấp dẫn để thu hút người học vào giáo dục nghề nghiệp, đồng thời tạo nên cơ chế phân luồng tự động.
(2) Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, hội chợ, diễn đàn về giáo dục nghề nghiệp.
(3) Gắn kết tuyển sinh, tổ chức đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội; thúc đẩy triển khai cơ chế 3 bên “Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp”; đẩy mạnh công tác tuyển sinh đào tạo theo hình thức đào tạo thường xuyên, đào tạo theo mô đun, tín chỉ.
(4) Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.
(5) Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát của xã hội.
(6) Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, hình thành một số trường chất lượng cao để thu hút đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.