BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA ĐBQH VỀ XỬ LÝ RÁC THẢI NHỰA

28/08/2019

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, công cụ quan trọng để đối phó với loại rác thải này là thuế và phí.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của các ĐBQH

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề rác thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đây là vấn đề lớn không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, con người.

Bộ trường cho biết, hàng năm trung bình khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương. Trong đó Biển Đông Á có các nước như: Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia … đóng góp khoảng 50% từ tổng lượng này. Dự báo đến năm 2050, có khả năng là đến 99% các loài chim có khả năng là ăn loại rác thải nhựa và 35% sinh vật biển là các loài cá tích luỹ các chất thải micro nhựa, tích luỹ này sẽ dẫn đến quá trình tích luỹ thức ăn và có thể đến con người, trong đó có kim loại nặng, hữu cơ khó phân huỷ, ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái cũng như sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề rác thải nhựa đang hết sức nhức nhối, bức xúc và khó khăn, điều này đòi hỏi nỗ lực của nhân dân trên toàn thế giới, nếu một mình Việt Nam cũng không được. Công việc này cần có sự nhận thức của nhân dân và toàn xã hội mang tính chất quyết định, chưa nói đến vấn đề quản lý, về công nghệ. Nếu người dân thông minh, biết sử dụng thì vừa tiết kiệm, vừa giảm rác thải nhựa.

Dẫn chứng về việc trên bàn phiên chất vấn hôm nay không có đồ nhựa dùng một lần, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Chính phủ và Quốc hội luôn cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Bản thân Việt Nam đã có luật quản lý tài nguyên môi trường biển và tham gia những hiệp định quốc tế về vấn đề này.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, công cụ quan trọng để đối phó với vấn đề rác thải nhựa là chính sách thuế, phí áp dụng với các loại nhựa một lần. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích vật liệu thân thiện môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội.

Bên cạnh đó, vấn đề truyền thông cũng hết sức quan trọng, Hiện nay chúng ta đã phát động trong toàn xã hội một chiến dịch nói không với việc sử dụng các đồ nhựa sử dụng một lần. Nếu chúng ta đẩy mạnh phong trào này đến các địa phương, các đoàn đại biểu Quốc hội và từng đơn vị tổ chức, cá nhân sẽ đóng góp hết sức quan trọng cho việc thành công mục tiêu này.

Đặc biệt, chúng ta phải giải quyết 80% số rác thải nhựa trong đất liền. Như vậy, cần phải nâng cao ý thức của người dân để người dân có thể bắt đầu từ khâu tham gia vào phân loại, thu gom, tái chế sử dụng rác thải và sẽ tiếp cận công nghệ không phải chôn lấp nữa mà công nghệ tiên tiến biến chất thải thành nhiệt năng và thành nguồn năng lượng. Bộ Trường Trần Hồng Hà cho biết, đây chính là mục tiêu của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới để xử lý vấn đề này./.

Thu Phương