ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI HOA - ĐỒNG THÁP: CẦN HÀI HÒA QUYỀN LỰC GIỮA HIỆU TRƯỞNG VÀ HỘI ĐỒNG TRƯỜNG CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

07/11/2018

Tại phiên họp sáng ngày 06/11, đã có 45 Đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu ý kiến thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực giáo dục Đại học của các đại biểu Quốc hội.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tập trung vào một số vấn đề như mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả chính sách tự chủ đại học trong luật hiện hành và chỉnh sửa nội dung khác có liên quan để đảm bảo thống nhất trong thực hiện mà không thay đổi bố cục của luật Giáo dục Đại học.

Phần lớn các đại biểu Quốc hội đều thống nhất việc thông qua Luật Giáo dục Đại học tại Kỳ họp này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý kịp thời cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy tự chủ và góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học một cách thực chất.
 
Tuy nhiên, các Đại biểu cũng đã chỉ ra một số vấn đề cần được thảo luận kỹ hơn trước khi dự án Luật này được thông qua. Có một số ý kiến cho rằng cần quy định rõ ràng, mạch lạc về mô hình cơ sở giáo dục đại học và làm rõ địa vị pháp lý của các loại hình trường học. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định toàn diện các nội dung điều kiện để đảm bảo thực hiện quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị đại học của từng cơ sở giáo dục đại học. Các Đại biểu cũng chỉ ra rằng cần làm rõ vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ cấu thành viên của hội đồng nhà trường, và quy định tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng nhà trường và Hiệu trưởng theo hướng mở và linh hoạt hơn. Hơn nữa, có nhiều ý kiến đề xuất quy định chặt chẽ về yêu cầu, điều kiện tuyển sinh, mở ngành cùng với đó là kiểm định chất lượng và trách nghiệm của nhà trường trong kiểm định chất lượng.
 
Để tìm hiểu rõ hơn về các vấn đề được Đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự án Luật, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
 
Phóng viên: Xin đại biểu cho biết thêm về những nội dung cần được đưa ra thảo luận để dự án Luật có thể đạt được sự thống nhất cao tại Kỳ họp này? 
 
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Đây là Kỳ họp thứ hai cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và theo đánh giá của tôi, cho tới thời điểm này các ý kiến của Đại biểu Quốc hội về cơ bản đã thống nhất với nội dung được đưa vào dự thảo luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề các Đại biểu tiếp tục đặt ra và cần được bàn bạc thấu đáo trước khi dự thảo luật được đưa ra.
 
Thứ nhất, về mô hình cơ sở giáo dục. Đây là một điểm mới của dự thảo luật, trong đó mô hình cơ sở giáo dục Đại học bao gồm các trường đại học và các đại học. Hiện nay, các đại học có cơ chế mở và linh hoạt hơn. Trong đó xu hướng sẽ có mô hình các trường đại học liên kết với nhau để trở thành các đại học; hay đối với một số các trường đại học đa ngành cũng có thể tự phát triển để trở thành các Đại học. Theo tôi đây là một cơ chế rất mở, nhưng vấn đề đặt ra là khi đưa ra mô hình Đại học, cần phải dự báo được xu thế để tránh tình trạng nở rộ các Đại học không đảm bảo chất lượng. Hiện các Đại biểu đang phân tích theo hướng cần xây dựng vào luật những quy định, yêu cầu cụ thể đối với các mô hình cơ sở giáo dục. Đồng thời cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định cụ thể trong Nghị định hướng dẫn luật  với những quy định liên quan tới tiêu chí để khi các trường Đại học hướng tới mô hình các Đại học sẽ đáp ứng được về chất lượng, về quy mô. Hơn nữa, cần phải nâng cao tự chủ của các trường và hội đồng trường. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm giải trình, phải công khai minh bạch các thông tin, điều kiện, chất lượng, quy mô để khi trở thành các Đại học thì các cơ sở phải đủ lớn mạnh. Tôi thấy đây là một xu thế mà các nước trên thế giới đang làm và Việt Nam cũng cần phải hướng tới.
 
Tiếp đến, vấn đề quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng cũng là nội dung được nhiều Đại biểu đề cập tới. Điểm mới của dự thảo luật lần này là nâng cao vị thế cũng như vai trò, nhiệm vụ của hội đồng trường, với xu thế dịch chuyển quyền lực từ hiệu trưởng sang hội đông trường. Việc dịch chuyển quyền quyết định sang cho hội đồng trường là xu hướng tăng tính dân chủ và khi một tập thể quyết định thì các quyết định cuối cùng sẽ khách quan hơn. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn nếu giao quá nhiều quyền quyết định vào hội đồng trường thì có thể thu hẹp lại quyền và trách nhiệm của hiệu trưởng, làm chậm trễ một số quyết định. Vì vậy trong dự thảo luật nên quy định hài hòa quyền lực giữa hiệu trưởng và hội đồng trường, làm rõ mối quan hệ để vừa phát huy được vai trò và quyền thực chất của các vị trí. Ví dụ, hội đồng trường có quyền quyết định về chiến lược và nhân sự lớn, còn Hiệu trưởng có quyền quyết định đối với nhân sự cấp phòng, ban, khoa vì hiệu trưởng cần có những quyết định nhanh để hình thành bộ máy giúp việc cho mình.
 
Thứ ba, là quy định liên quan tới đào tạo đặc thù, mà nhiều ý kiến nhất là thuộc ngành y tế. Đây là vấn đề đại diện ngành y tế muốn tháo gỡ trong dự thảo luật này. Qua nghiên cứu của tôi, tôi thấy rằng ban soạn thảo cũng đã có lĩnh hội những đề xuất của Bộ Y tế, các Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia để thể hiện trong dự thảo một cách hợp lý. Thực ra, kỳ vọng của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cũng không thể giải quyết được hết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống, mà chỉ lựa chọn vấn đề nào có thể sửa đổi ngay và được chấp nhận khi đưa vào thực tiễn. Nếu xét về đào tạo đặc thù thì không chỉ có riêng ngành y tế, vì vậy nếu muốn quy định cụ thể đào tạo của ngành y cũng sẽ không giải quyết được vấn đề đặc thù của các ngành khác. Vì vậy, lựa chọn đưa những quy định chung vào điều 73 của dự án Luật là lựa chọn an toàn và hợp lý nhất.
 
Bên cạnh đó, liên quan tới đề xuất về quy định trình độ đào tạo chuyên gia y tế, tôi nhận thấy chuyên gia không phải là học vị để đào tạo, cấp bằng, mà chuyên gia là 1 chức danh. Theo tôi được biết Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đang nghiên cứu về các quy định liên quan ới một số chức danh như chuyên gia, các hàm và trợ lý. Đề xuất này sẽ được trình Ban Bí thư trong thời gian tới để có chính sách phù hợp đối với các chuyên gia. Theo tôi, nên giải quyết vấn đề này thông qua cách thức nêu trên. Đây là những đề nghị tiếp tục cần được nghiên cứu. Tôi cũng hy vọng lần sửa đổi này, các bộ, ngành cũng như Chính phủ sẽ phải tiếp tục lĩnh hội, nghiên cứu những vấn đề thực tiễn đặt ra để khi có lần sửa đổi toàn diện sẽ giải quyết trọn vẹn những vấn đề đang đặt ra. 
 
Phóng viên: Ngoài các vấn đề nêu trên, xã hội hóa cũng là khía cạnh tiếp tục được thảo luận. Xã hội hóa là chủ trường đúng đắn, kêu gọi thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục đại học. Tuy nhiên, đối với các cơ sở giáo dục đào tạo được đầu tư theo phương pháp xã hội hóa, gọi là các trường đại học tư thục, phải có mục tiêu phi lợi nhuận. Vậy đâu là cơ chế đúng đắn cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục có thể phát triển và đáp ứng mục tiêu phi lợi nhuận được đặt ra?
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:  Mô hình trường đại học tư thục phi lợi nhuận là mục tiêu lớn và nó cũng thực hiện một chủ trương của chúng ta là không thương mại hóa giáo dục. Tuy nhiên, để có được những trường không vì lợi nhuận thì phải có những điều kiện nhất định, trong đó cơ bản nhất là những nhà đầu tư không nhìn vào lợi nhuận khi đầu tư vào giáo dục. Đặt vào bối cảnh nước ta hiện nay thì đây là điều kiện hơi khó. Thông thường khi các nhà đầu tư nghiên cứu thị trường, xây dựng đề án thành lập trường thì yếu tố lợi nhuận được xem xét đầu tiên. Để có những trường phi lợi nhuận phải có những nhà đầu tư đủ mạnh, không nhìn vào lợi nhuận thu lại và quy định về quy chế chính sách sẽ là độ mở trong dự thảo Luật lần này. Tuy nhiên, một trong những điều quan trong cần giải quyết là cơ chế chính sách phát triển các nhà kinh tế đủ lớn mạnh, có tầm cỡ để đầu tư vào những mô hình đại học tư thục không vì lợi nhuận như mong muốn của chúng ta.
 
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Nguyễn Ngân