THÚC ĐẨY QUYỀN CỦA TRẺ EM GÁI

12/10/2018

Ngày 11/10 được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận là ngày Quốc tế Trẻ em gái từ năm 2012. Từ đó đến nay, ngày Quốc tế Trẻ em gái đã trở thành một sự kiện sự ảnh hưởng toàn cầu, là nền tảng cho các hoạt động tuyên truyền, vấn động chính sách của nhiều cá nhân, mạng lưới và tổ chức trên thế giới nhằm đem lại một cuộc sống an toàn và công bằng hơn cho trẻ em gái.

Diễn đàn Trẻ em gái 2018

Ngày Quốc tế Trẻ em gái mỗi năm đều được Liên Hợp Quốc chọn cho một chủ đề riêng. Không đơn giản chỉ là một ngày kỉ niệm, Ngày Quốc tế Trẻ em gái ra đời nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn...Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai.

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kỷ niệm này Quốc tế trẻ em gái năm 2018, Plan International Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Trẻ em gái 2018 với chủ đề “Thúc đẩy Quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển”. Diễn đàn quy tụ 100 em gái đại diện cho hàng triệu trẻ em gái trên toàn quốc đến Hà Nội, tham gia hoạt động đối thoại cùng đại diện Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành liên quan, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ và đại diện Hội đồng nhân dân một số tỉnh. Việc phối hợp tổ chức Diễn đàn Trẻ em gái 2018 nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái trên thế giới nhưng quan trọng hơn là tạo điều kiện cho các em gái tham gia vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật đảm bảo các nhóm quyền cơ bản của trẻ em.

Trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân, tình hình xâm hại trẻ em đang có những diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em gái. Bên cạnh đó, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại và có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. 

Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý kỹ thuật – Chương trình Giới, bảo vệ trẻ em và hòa nhập, mỗi năm trên thế giới có 15 triệu trẻ em gái là nạn nhân của các vụ tảo hôn, tức là mỗi ngày có 41.000 em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi. Tại Việt Nam, chỉ tính 5 tỉnh địa bàn PlanInternational đang hoạt động, tỷ lệ kết hôn trẻ em dưới 18 tuổi đặc biệt cao và cao gấp nhiều lần so với số liệu thống kê toàn quốc. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi kết hôn không những không giảm mà còn tăng gấp đôi từ 5,4% năm 2006 đến 10,3% năm 2014. Việc kết hôn khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm sẽ làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của mẹ và con.

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý kỹ thuật – Chương trình Giới, bảo vệ trẻ em và hòa nhập

Tại diễn đàn, Đại biểu Trẻ em thành phố Hà Nội chia sẻ: Em đại diện cho các trẻ em gái nói lên mong muốn xây dựng một xã hội mà ở đó có sự công bằng đối với trẻ em gái, em gái được phát triển theo đúng quyền của mình và được làm những điều mà mình thích, được theo đuổi ước mơ và em mong muốn các bạn ở vùng sâu vùng xa sẽ có điều kiện được đi học”. Trước thực trạng nạn tảo hôn tại địa phương, Đại biểu Trẻ em tỉnh Quảng Trị cho biết: “Em mong muốn được bày tỏ những vấn đề về thực trạng và hệ lụy của nạn tảo hôn. Em mong rằng sẽ chấm dứt được nạn tảo hôn để trẻ em gái được đến trường, được thực hiện ước mơ của mình mà không phải làm vợ, làm mẹ từ quá sớm”.

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Từ đó đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đưa tinh thần và nội dung của Công ước vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và luật pháp quốc gia.

Để hiểu rõ hơn về mục đích tổ chức Diễn đàn Trẻ em gái cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới nói chung và bảo vệ quyền của trẻ em gái nói riêng, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, về vấn đề này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh đối thoại với Trẻ em gái tại Diễn đàn 

Phóng viên: Thưa đại biểu, ngày 11/10 là ngày Quốc tế Trẻ em gái. Hưởng ứng ngày kỷ niệm này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có những hoạt động cụ thể như thế nào?

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Các tổ chức quốc tế đã thống nhất và lấy ngày 11/10 là ngày Quốc tế trẻ em gái. Để hưởng ứng ngày này, bên phía Việt Nam của chúng ta cũng thể hiện sự hưởng ứng tích cực. Cụ thể, Plan International Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Trẻ em gái 2018 với chủ đề “Thúc đẩy Quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển”. Nội dung của diễn đàn tập trung vào hai chủ đề lớn là “An toàn với trẻ em gái ở nơi công cộng” và “Tảo hôn và các hệ lụy”. Trẻ em gái chia sẻ về thực trạng vấn đề tại cộng đồng. Từ đó, các em có đề xuất các khuyến nghị về việc ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách. Chúng tôi sẽ lắng nghe để đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng.

Phóng viên: Những kiến nghị, đề xuất của các trẻ em gái tại Diễn đàn sẽ được Ủy ban và các đơn vị có liên quan tiếp nhận và xử lý như thế nào, thưa đại biểu?

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Không chỉ  lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của các em, ngay sau diễn đàn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ chủ trì làm việc với đại diện lãnh đạo các địa phương, đơn vị tham dự diễn đàn để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các em nhằm kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, theo quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị. Năm sau, cũng vào ngày này, chúng tôi sẽ có trách nhiệm trả lời các em đối với từng vấn đề đã được nêu ra tại diễn đàn về kết quả gải quyết, tháo gỡ. Đây là nỗ lực nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em nói chung và quyền trẻ em gái nói riêng.

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua Việt Nam đã có những nỗ lực gì để đảm bảo quyền của trẻ em nói chung và quyền trẻ em gái nói riêng?

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990 mà không bảo lưu điều, khoản nào.

Trong suốt 25 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng pháp luật trong nước hài hòa với các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Vấn đề bảo vệ trẻ em nói chung trong đó có trẻ em gái nói riêng được sống trong một môi trường thực sự an toàn không bị bạo hành, không bị xâm hại, chúng tôi đã có nhiều việc làm thiết thực. Khi xây dựng Luật Trẻ em năm 2016 những vấn đề này đã được đặt ra và kể cả trong Bộ Luật Hình sự, chúng tôi cũng đã xem xét vấn đề này rất là thấu đáo.

Bên cạnh đó, cũng đã có những quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành để thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em; quy định rõ nhiệm vụ của người làm công tác trẻ em cấp xã. Chúng tôi cũng đặt vấn đề với Chính phủ phải có cơ chế điều phối viên liên ngành và Chính phủ đã nhanh chóng thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em do Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trực tiếp làm Chủ tịch đồng thời lập đường dây nóng tổng đài điện thoại quốc gia về trẻ em 111 để bảo vệ trẻ em.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh