NHỮNG BẤT CẬP TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA - GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU

06/10/2018

Sau 30 năm đổi mới, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, có một nghịch lý là tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong khi các cơ chế, quy định, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý phát triển đô thị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đã và đang khiến đô thị của nước ta phải đối diện với những thách thức lớn về quy hoạch, môi trường, hạ tầng cơ sở.

Theo thống kê, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ khoảng 19,6% với 629 đô thị vào năm 1999 lên khoảng 37,5% với 813 đô thị năm 2017, trong đó có: 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V. Đô thị hóa tăng nhanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và cả nước. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, chất lượng tăng trưởng đô thị chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải. Những bất cập này nếu không được khắc phục và kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và hậu quả lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới các bất cập trong quá trình phát triển đô thị hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đoàn, Giảng viên Khoa Môi trường và Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa thống nhất, phân tán, thiếu ổn định và chưa điều chỉnh toàn diện các vấn đề từ thực tiễn.

Quá trình thị hoá trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là tiến trình tất yếu của sự phát triển ở mỗi quốc gia. Nhưng phát triển như thế nào? Sự ràng buộc, đồng bộ ra sao giữa hệ thống cơ sở pháp lý và công tác quản lý nhằm định hướng theo đúng khuôn khổ, đúng lộ trình, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Về vấn đề này, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến một số đại biểu Quốc hội.

Phóng viên: Thưa đại biểu, Việt Nam được đánh giá làm một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong quá trình đô thị hóa thì có những khó khăn gì cần phải nhận diện?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Chúng ta nhìn thấy rất là rõ tốc độ đô thị hóa hiện nay rất là nhanh và đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến hết tháng 5/2018, Việt Nam có khoảng 813 đô thị các loại, bao gồm cả các đô thị đặc biệt là khu kinh tế, khu công nghiệp… Khu vực đô thị đã chiếm tỷ lệ 70% chi phối trong tổng GDP, mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam cũng nảy sinh những bất cập như: vấn đề ùn tắc giao thông, xây dựng không phép, các điều kiện khác về hạ tầng xã hội không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: Bên cạnh những thành tựu đạt được trong quá trình đô thị hóa như nhiều đô thị mới xuất hiện, nhiều khu chung cư cao tầng, bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, … thì quá trình đô thị hóa cũng bộc lộ những hạn chế. Cụ thể: Chất lượng tăng trưởng đô thị chưa cao, chưa thực sự thể hiện đúng vai trò tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho từng vùng và quốc gia. Đô thị cấp vùng và cấp quốc gia thiếu liên kết, hạn chế không gian phát triển. Hàng loạt vấn đề về hạ tầng, cấp nước, giao thông, phòng chống cháy nổ,... đặt ra đối với các đô thị lớn.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: Việc phát triển đô thị không theo quy hoạch hoặc phá vỡ quy hoạch gây nên áp lực rất lớn cho người dân sống trong đô thị. Có thể thấy, hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến... Hệ thống các công trình hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh thiếu, tỷ lệ đạt thấp so với quy chuẩn. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo kết nối giữa các đô thị và giữa các khu vực trong từng đô thị.

Phóng viên: Để khắc phục những bất cập, tồn tại trong quá trình phát triển đô thị đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, theo quan điểm của đại biểu, cần thực hiện những giải pháp như thế nào?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Những hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển đô thị do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là do hệ thống văn bản pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa thống nhất, còn phân tán và chưa điều chỉnh một cách toàn diện các vấn đề từ thực tiễn. Theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần phải có 1 hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ rộng để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay. Chính phủ đã đề xuất xây dựng Luật quản lý phát triển đô thị để khắc phục khoảng trống về pháp lý trong quản lý phát triển đô thị hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị KimThúy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đà Nẵng

Đại biểu Nguyễn Thị KimThúy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đà Nẵng: Để giải quyết vấn đề này thì chúng ta cũng đang xây dựng Luật quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi luật được ban hành thì cần thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật đã có về xây dựng, quy hoạch, môi trường, giao thông,.... Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm cũng như xử lý trách nhiệm các cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm trong quản lý đô thị.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: Chúng ta cần xây dựng Luật quản lý phát triển đô thị để có định hướng phát triển, xem xét ngân sách phát triển cân đối như thế nào? Đồng thời, cần tính toán từ đất tạo ra nguồn lực phát triển đất nước ra sao? Nếu không giải quyết được bài toán này, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng luôn luôn có những công trình đắt nhất thế kỷ mà vẫn không phải là 1 đô thị hiện đại. Việc ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ là bước hoàn thiện về thể chế nhằm tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quản lý phát triển đô thị.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các Đại biểu!

 

 

Lê Anh