Theo số liệu của Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 9 triệu người nghèo; 9,2 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 4 triệu người nhiễm chất độc da cam; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 180.000 người nhiễm HIV… Đây là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt cần được xã hội quan tâm chăm sóc, bảo vệ, che chở. Tuy nhiên, thống kê của Cục Bảo trợ xã hội cho thấy, hiện diện bao phủ công tác xã hội mới chiếm khoảng 28%. Như vậy, số đối tượng xã hội, đặc biệt số người có hoàn cảnh khó khăn cần được tiếp cận và hưởng thụ dịch vụ xã hội còn rất hạn chế. Tiến sĩ Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, Việt Nam là đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh và chúng ta cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của quá trình biến đổi khí hậu cho nên số lượng người dân cần trợ giúp xã hội ước tính chiếm khoảng 20% dân số trong cả nước. Hiện nay, cả nước phát triển được 418 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 40 Trung tâm công tác xã hội chuyên sâu. Các tỉnh, thành phố đã hình thành, phát triển mạng lưới trên 30.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội. Đến nay đã có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội, tuyển sinh hàng năm khoảng 3.500 chỉ tiêu cử nhân/năm; có 3 trường đào tạo thạc sĩ, 2 trường đào tạo tiến sĩ công tác xã hội.
Tiến sĩ Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Để trợ giúp đối tượng yếu thế, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, ngày 25 tháng 3 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Đến nay, sau hơn 7 năm triển khai, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, Đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì nghề công tác xã hội vẫn chưa thực sự trở thành nghề chuyên nghiệp; lực lượng làm nghề công tác xã hội còn mỏng và phần đông chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội mới hình thành ở ngành lao động thương binh xã hội là chủ yếu, bước đầu được thí điểm ở các ngành y tế, giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ.
Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là do các văn bản pháp luật quy định về công tác xã hội có giá trị tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở tầm Luật do Quốc hội thông qua để quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động công tác xã hội, viên chức công tác xã hội và quản lý nhà nước đối với nghề công tác xã hội… nên khó khăn cho việc lồng ghép, đưa các quy định cụ thể về công tác xã hội vào các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng như tổ chức thực hiện triển khai.
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Như vậy, để lấp đầy "khoảng trống" về mặt pháp lý, có cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật về nghề công tác xã hội hay không? Đồng thời, phải có những giải pháp gì để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động công tác xã hội tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Về vấn đề này, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội.
Phóng viên: Việt Nam có khoảng hơn 20% dân số thuộc đối tượng yếu thế cần trợ giúp. Tuy nhiên, nghề công tác xã hội của nước ta lại chưa thực sự trở thành nghề chuyên nghiệp. Đại biểu đánh giá như thế nào về vai trò của nghề công tác xã hội hiện nay?
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Công tác xã hội là một yêu cầu đặt ra không chỉ đối với các nước nghèo, chậm phát triển mà ngay cả những nước đã có trình độ phát triển rất là cao thì nhu cầu về công tác xã hội vẫn rất lớn. Người ta tính rằng, thường mỗi nước có từ 20 -28% dân số có nhu cầu về trợ giúp xã hội. Ở Việt Nam cũng vậy, rõ ràng nhu cầu về công tác xã hội và những người làm nghề công tác xã hội là rất lớn. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật của chúng ta mới có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh về nghề công tác xã hội. Đây có thể nói là khoảng trống pháp lý rất lớn để chúng ta có thể thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ về công tác xã hội tốt hơn.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII
Ông Vũ Mão, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, XI: Thực ra vấn đề này với các nước đã phát triển từ rất lâu và quan niệm xã hội rất coi trọng nghề công tác xã hội. Tuy nhiên ở Việt Nam, gần đây nghề công tác xã hội mới được nhận thức ở một mức độ nào đó và Nhà nước đã bước đầu quan tâm, đánh giá nghề công tác xã hội là cần thiết. Hiện nay cơ quan chức năng theo thẩm quyền đã bước đầu xây dựng dự thảo về Luật nghề công tác xã hội . Tôi cho đó là việc rất cần thiết để thúc đẩy nghề công tác xã hội trở nên chuyên nghiệp.
Ông Vũ Mão, Đại biểu Quốc hội khóa VIII
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Nghề công tác xã hội là rất cần thiết trong điều kiện nhóm người yếu thế trong xã hội chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên, hiện nay nghề công tác xã hội ở Việt Nam mặc dù đã có những bước tiến nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Lực lượng làm nghề công tác xã hội còn mỏng, chưa được đào tạo bài bản.
Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện nay các văn bản pháp luật quy định về công tác xã hội có giá trị tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở tầm Luật để quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động công tác xã hội. Đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải ban hành Luật về nghề công tác xã hội?
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Tôi cho rằng rất cần phải nghiên cứu và ban hành Luật về nghề công tác xã hội bởi vì: Thứ nhất, với 1 số lượng lớn, 1 phạm vi đối tượng tác động rộng mà chúng ta chỉ điều chỉnh bằng văn bản dưới luật thì rõ ràng chưa đủ cơ sở pháp lý. Thứ hai, theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 thì những vấn đề gì liên quan đến quyền công dân, quyền con người thì phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Trong khi đó, rõ ràng lĩnh vực công tác xã hội có liên quan rất mật thiết đến các quyền con người, quyền công dân vì thế cần phải có Luật về công tác xã hội để điều chỉnh lĩnh vực này.
Ông Vũ Mão, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, XI: Để nghề công tác xã hội phát triển mạnh ở nước ta và trở nên thực sự chuyên nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.Trước hết là mình phải nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của nghề công tác xã hội. Thứ hai, về khuôn khổ pháp lý, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này. Thứ ba, cần phải quan tâm đến công tác đào tạo cho hợp lý và có chất lượng.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức từ hàng loạt vấn đề xã hội ngày càng gia tăng như: lạm dụng trẻ em, người già neo đơn, nạn nghiện hút, mại dâm, bạo lực gia đình, thất nghiệp, di cư… Trong bối cảnh đó, phát triển một hệ thống công tác xã hội hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội là hết sức cần thiết. Để làm được điều này, việc xây dựng và ban hành Luật về nghề công tác xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Luật cần thận trọng, nghiên cứu kỹ đảm bảo tính khả thi. Luật phải quy định theo hướng chức năng, nhiệm vụ của nghề công tác xã hội và từ chức năng, nhiệm vụ đó ban hành pháp luật. Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh xã hội đang xây dựng dự thảo. Bên cạnh đó cần thực hiện các giải pháp khác về công tác đào tạo, nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội, cũng như chú trọng công tác tuyên truyền để thúc đẩy hoạt động công tác xã hội phát triển mạnh mẽ.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!