Theo lộ trình được Bộ Công Thương đưa ra, thời gian chỉ còn hơn một năm để hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém tại các dự án thua lỗ nghìn tỷ. Để đạt được mục tiêu này, theo ý kiến của đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, mấu chốt để tái cơ cấu các dự án thành công cần có cơ chế để tái cấu trúc nhanh và hiệu quả, đồng thời kiên quyết cho phá sản những dự án không còn khả năng khắc phục, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước và với nền kinh tế nói chung.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh báo cáo trước Quốc hội về tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ
Phóng viên: Thưa đại biểu, câu chuyện về 12 dự án ngành công thương có vốn đầu tư lớn nhưng thua lỗ kéo dài đã từng được đưa ra chất vấn trước Quốc hội. Vậy sau hơn 1 năm, đại biểu đánh giá như thế nào về quá trình tái cơ cấu các dự án hiện nay?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Vừa qua tại kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã có báo cáo trước Quốc hội về phương án xử lý 12 dự án thua lỗ. Theo đó, trong 12 dự án này có 6 dự án dừng sản xuất, kinh doanh do không hiệu quả. Hiện mới có 2 trong tổng số 12 dự án làm ăn có lãi, cắt giảm được lỗ lũy kế, đó là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Tổ hợp khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai. 4 dự án từng bước giảm lỗ là Đạm Ninh Bình, Đạm Bà Bắc, DAP số 2 Lào Cai, dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất. Như vậy, kết quả tái cơ cấu các dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành công thương hiện bước đầu đã có những khởi sắc nhưng thực trạng bức tranh toàn cảnh vẫn còn hết sức khó khăn.
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Qua kết quả tái cơ cấu các dự án thời gian vừa qua, đại biểu đánh giá như thế nào về các giải pháp mà Bộ Công thương đã thực hiện?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Đối với việc xử lý 12 dự án thua lỗ, Bộ Công thương cũng đã tích cực và đưa ra phương án tương đối cụ thể. Bộ Công thương đã tiến hành phân loại, đánh giá từng dự án xem dự án nào là có thể tái cấu trúc, tái cơ cấu quá trình quản lý và điều hành. Từ đó, có phương án cụ thể để có thể khắc phục những bất cập, tồn tại của từng dự án và đưa vào vận hành trong thời gian tới. Đồng thời đánh giá những dự án nào sẽ phải có phương án xử lý quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, do thời gian chưa đủ dài nên các phương án của Bộ đưa ra mới chỉ là trong giai đoạn đầu thực hiện. Vì vậy, các chuyển biến cũng mới chỉ là bước đầu, chưa thể đánh giá một cách cặn kẽ hiệu quả của các phương án tái cơ cấu nhưng tôi cho đó cũng là sự cố gắng, tích cực của cơ quan quản lý. Với động thái như vậy, nếu Bộ Công thương quản lý quyết tâm hơn, có những giải pháp quyết liệt hơn, cụ thể hơn thì tôi cho rằng chúng ta sẽ xử lý được các dự án thua lỗ trong thời gian tới.
Những giải pháp mà Bộ Công thương thực hiện đã bước đầu tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra.
Nhà máy sản xuất phân bón DAP Lào Cai
Phóng viên: Theo đại biểu, để tái cơ cấu thành công các đại dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành công thương thì cần có cơ chế gì và đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Theo quan điểm của tôi, trên cơ sở phân loại của Bộ Công thương thì với những dự án nào không thể có khả năng tái cơ cấu, không có khả năng phục hồi sản xuất thì cần đẩy nhanh quá trình cho phá sản doanh nghiệp đó. Hoặc có thể xử lý các doanh nghiệp thua lỗ này bằng cách sát nhập hoặc cơ cấu vào các doanh nghiệp khác. Đối với những dự án nào có triển vọng thì cần có chiến lược đầu tư nhất định về nguồn lực về con người, về bộ máy quản trị để sớm vận hành có sản phẩm. Bởi vì, chỉ có sớm vận hành, có sản phẩm 1 cách hiệu quả thì mới có điều kiện tốt hơn để tái cơ cấu sâu rộng các dự án.
Một yếu tố nữa, trong các dự án ngoài yếu tố về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất thì con người rất quan trọng. Tôi cho rằng, Bộ Công thương cũng cần đánh giá về mặt quản trị các dự án này và cần thiết cũng phải có sự tăng cường về mặt nhân sự, quản trị để có thể vận hành các dự án nhằm đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và xử lý hậu quả của các dự án.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!