CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG CẦN NGUỒN LỰC

10/08/2018

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 7 khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đây là nội dung quan trọng có tác động đến hàng triệu công chức, viên chức và người lao động trong cả nước.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XII 

Câu chuyện tiền lương sau Hội nghị Trung ương 7 được kỳ vọng sẽ có những đột phá lớn, sát hơn với thực tế; đảm bảo rằng, cán bộ, công chức được hưởng mức lương xứng đáng đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội hệ trọng, phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước. Theo ý kiến của đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra, cần phải thực hiện hiệu quả ngay việc cải cách thu chi ngân sách, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới hoạt động của khối sự nghiệp công lập để tạo nguồn bền vững cho Đề án.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, trả lời phỏng vấn 

Phóng viên: Thưa đại biểu, vừa qua tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 7 khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp với nhiều điểm mới mang tính đột phá. Vậy đại biểu nhận định như thế nào về những điểm mới của Nghị quyết?

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: Đề án cải cách chính sách tiền lương đã được Ban Chấp hành Trung ương 7 khóa XII thông qua. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu vui và đáng mừng cho cán bộ, công chức trong thời gian sắp tới. Thực tế trong thời gian vừa qua thì cán bộ công chức chưa thể sống được bằng lương vì vậy dẫn đến tình trạng rất khó khăn. Thực tế, khối lượng công việc của cán bộ công chức thì nhiều nhưng mức lương lại bất cập do đó dẫn đến tình trạng công việc còn trì trệ, hiệu quả chưa cao.

Có thể thấy, trong đề án cải cách chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều nội dung cải cách mới. Trước hết, là việc bãi bỏ hệ thống bảng lương hiện nay được coi là quá phức tạp, chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo mang tính bình quân, cào bằng bằng các bảng lương mới đơn giản và phù hợp hơn. Đây có lẽ chính là điểm đột phá trong cải cách chính sách tiền lương lần này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, theo quan điểm của đại biểu thì đâu là rào cản cơ bản nhất trong việc thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương?

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: Cải cách tiền lương và cải thiện đời sống của người lao động luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đối với khu vực công, chế độ tiền lương cho công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phụ thuộc vào khả năng của ngân sách nhà nước. Số lượng người làm việc cồng kềnh thì mức lương trung bình không thể cao. Thực tế, nhiều lần Trung ương đã bàn về cải cách tiền lương, nhưng nếu không đồng bộ với đổi mới sắp xếp tổ chức của bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thì không thể cải cách được.

Hiện nay, nền hành chính của chúng ta còn quá cồng kềnh, biên chế nhiều cho nên đồng lương gánh cho các biên chế đó rất nặng. Vì thế, việc cải cách tiền lương lần này là rất phù hợp và thực hiện được càng sớm càng tốt.

Phóng viên: Để thực hiện thành công cải cách chính sách tiền lương, theo ý kiến của đại biểu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp gì và lộ trình ra sao thưa đại biểu?

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: Tôi đồng tình với lộ trình mà Chính phủ đưa ra vì bây giờ chúng ta cũng không thể làm gấp được. Chúng ta chưa thực hiện xong Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy nếu thực hiện ngay sẽ rất vướng. Đồng thời, cần tính đến nguồn lực để thực hiện. Trong khi đó nguồn lực lớn nhất là chi phí cho lương. Do đó, phải thực hiện hiệu quả ngay việc cải cách thu chi ngân sách, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới hoạt động của khối sự nghiệp công lập để tạo nguồn bền vững cho Đề án.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh