Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Tại dự thảo luật, một trong những nội dung trọng tâm được quan tâm, sửa đổi là vấn đề tự chủ đại học. Theo quan điểm của ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, để quyền tự chủ phát huy hiệu quả, các quy định cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Làm rõ khái niệm, điều kiện, nội dung, mức độ và lộ trình tự chủ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Thưa đại biểu, quy định về tự chủ đại học đã có từ lâu. Vậy qua thực tiễn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả triển khai tự chủ đại học thời gian qua?
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Trong Luật giáo dục đại học năm 2012 coi tự chủ là một thuộc tính của giáo dục đại học và chúng ta cũng đưa vào nhiều nội dung liên quan đến tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong thực tế và qua giám sát thì những quy định này lại chưa đáp ứng được yêu cầu của tự chủ đại học. Vừa qua, Chính phủ cũng đã thí điểm cho 23 trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ. Qua tổng kết, bên cạnh những kết quả đạt được, tự chủ đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp. Các cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả. Do đó, tự chủ chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Đại học Bách khoa Hà Nội một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ đại học
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về quy định nội dung tự chủ đại học trong dự thảo luật?
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Những vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của giáo dục đại học đã được cơ quan soạn thảo chú ý và đưa vào nhiều hơn, rõ nét hơn cùng với những điều kiện nhất định để thực hiện trong quá trình sửa đổi luật giáo dục đại học năm 2012. Tuy nhiên vấn đề tự chủ, tôi cho rằng cần phải có chính sách rõ ràng hơn nữa đặc biệt là về vai trò của cơ quan quản lý. Đồng thời, cần giao các thiết chế tự chủ trong nhà trường phải được hoàn thiện hơn nữa để các cơ sở giáo dục đại học có thể thực hiện được một cách dầy đủ vai trò tự chủ của mình.
Phóng viên: Thưa đại biểu, để tháo gỡ những nút thắt trong thực hiện tự chủ đại học hiện nay thì dự thảo luật cần bổ sung quy định theo hướng như thế nào?
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Để quyền tự chủ phát huy hiệu quả, các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Làm rõ khái niệm, điều kiện, nội dung, mức độ và lộ trình tự chủ. Bên cạnh đó, tăng tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cũng phải gắn với thay đổi phương thức quản lý nhà nước về giáo dục đại học, tiếp tục cụ thể các quy định về Hội đồng trường, tạo cơ chế thực thi quyền lực của Hội đồng trường. Trong quá trình sửa đổi cũng cần bảo đảm sự đồng bộ của Luật này với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như tính khả thi khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học được ban hành.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!