- Đối với Chính phủ, các bộ, ngành:
Thứ nhất, một số văn bản trả lời cử tri có nội dung còn chung chung, chưa rõ, thiếu thống nhất nên gặp khó khăn khi thực hiện.
Thứ hai, một số văn bản ban hành chậm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân cũng như nguồn thu của ngân sách nhà nước, gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Thứ ba, quá trình triển khai một số chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân chưa được giám sát, kiểm tra kịp thời và hiệu quả.
Thứ tư, việc cải cách các thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, chưa thực chất; vẫn còn những thủ tục hành chính thuộc nhiều lĩnh vực chậm được cải tiến.
Từ kết quả của việc tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị.
- Đối với các cơ quan của Quốc hội:
Thứ nhất, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội cần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tiếp xúc cử tri, tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, đặc biệt là việc tổ chức lấy ý kiến cử tri tham gia góp ý vào các dự án luật, bảo đảm thực chất hiệu quả, tránh hình thức để nắm bắt, lắng nghe đầy đủ ý kiến của mọi tầng lớp Nhân dân, kịp thời giải thích, tuyên truyền, định hướng dư luận, đạt sự đồng thuận cao của người dân trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật.
Thứ hai, tăng cường giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt trong quá trình thẩm tra các dự án luật cần giảm thiểu tối đa các điều, khoản, điểm trong luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Thứ ba, các Đoàn đại biểu Quốc hội cần quan tâm tới kết quả và chất lượng giải quyết các kiến nghị của cử tri nói chung và các kiến nghị của cử tri tại địa phương mà mình ứng cử nói riêng và coi đây là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn.
- Đối với Chính phủ, các bộ, ngành
Thứ nhất, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, từng bước khắc phục tình trạng văn bản pháp luật đã được ban hành, có hiệu lực thi hành nhưng cử tri không biết, vẫn tiếp tục kiến nghị gây tốn kém, lãng phí; tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri do Thủ tướng Chính phủ chủ trì để xem xét, đánh giá toàn diện việc thực hiện các quy định về giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Thứ hai, ngoài việc chú trọng tới công tác phòng, chống tham nhũng đối với những vụ việc lớn có dấu hiệu làm thất thoát nhiều tài sản, ngân sách của Nhà nước, Chính phủ cần quan tâm và có giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa trong công tác chống “tham nhũng vặt” đang hàng ngày ảnh hưởng tới cuộc sống của từng người dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.
Thứ ba, xem xét, giải quyết dứt điểm những kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực giáo dục như dạy thêm, học thêm, lạm thu đầu năm học, sử dụng lãng phí sách giáo khoa,...; đổi mới hình thức thi, tuyển sinh, đổi mới cách dạy và học, thí điểm mô hình giáo dục mới,...
Thứ tư, ngoài việc rà soát, sửa đổi các văn bản trái luật đã ban hành, cần tập trung đánh giá những ảnh hưởng do các văn bản trái luật gây ra đối với xã hội và người dân, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý.
Thứ năm, rà soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đề ra giải pháp ngăn ngừa các trường hợp mất an toàn giao thông như thời gian vừa qua; khẩn trương xem xét, giải quyết kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Nam, Bình Định về những vấn đề tồn tại trong qua trình thực hiện dự án giao thông theo đúng quy định của pháp luật, để phát huy hiệu quả đầu tư.
Thứ sáu, về xem xét, sửa đổi một số văn bản pháp lý khi triển khai vào đời sống đã bộc lộ một số vấn đề còn hạn chế mà cử tri đã kiến nghị.