BAN DÂN NGUYỆN – NHỮNG DẤU ẤN NĂM 2017

15/02/2018

Được Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ giám sát việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nỗ lực không ngừng, tự đổi mới trong tư duy và hành động, góp phần quan trọng việc thúc đẩy các cơ quan của Chính phủ làm tốt hơn công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài... Hành động đó, dấu ấn đó đã trở thành điểm nhấn mạnh mẽ, là cơ sở, là nền tảng củng cố vững chắc trước những nhiệm vụ mới mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao phó trong năm 2018.

Ban Dân nguyện tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018

Năm 2017, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 1156/ 2016/UBTVQH13 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện, khối lượng công việc của Ban Dân nguyện tăng lên rõ rệt. Nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, cùng sự đoàn kết nhất trí của tập thể Lãnh đạo Ban, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức của Vụ tham mưu, giúp việc… hoat động công tác Ban Dân nguyện đã đạt được kết quả hết sức khả quan.

Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Tập đoàn Viettel 

Tiếp công dân:

Trong năm 2017, Ban đã tổ chức, thực hiện tốt việc tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân phục vụ kỳ họp 3, thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Ban đã trực tiếp tiếp 1.382 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 1.189 vụ việc; phối hợp với các cơ quan tiếp công dân Trung ương tiếp 3.423 lượt người với 1.166 vụ việc

Kết quả, đã có công văn chuyển 284/1.189 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; có văn bản hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với 218/1.189 vụ việc; 687/1.189 vụ việc còn lại, đã giải thích, vận động công dân rút đơn khiếu nại, tố cáo do không có cơ sở hoặc giải thích để công dân chờ kết quả giải quyết (đối với những vụ việc đang còn trong thời hạn giải quyết). Đến nay, đã nhận được 33/284 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền giải quyết (đạt 11,61%).

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến tại Bế mạc phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Xử lý đơn, thư của công dân và Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trong năm 2017, Ban Dân nguyện tiếp nhận và xử lý 13.486 đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Năm 2016 đã tiếp nhận 20.848 đơn, trong đó chuyển Hội đồng Dân tộc, Ủy ban 11.823 đơn thuộc lĩnh vực phụ trách và nghiên cứu, xử lý 8.155 đơn. Tuy tổng số lượng đơn tiếp nhận giảm (giảm 35,3% so với năm 2016 là 20.848 đơn) nhưng số đơn Ban Dân nguyện phải nghiên cứu, xử lý là 13.486 (tăng 69,8% so với năm trước); chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 330 đơn khiếu nại của công dân (gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước ) và nhận được 237 công văn trả lời về kết quả giải quyết các vụ việc mà Ban đã chuyển từ trước.

Qua giám sát, đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 41 vụ việc cụ thể, trong đó có: 10/41 vụ việc Đoàn giám sát nhất trí về kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương (chiếm 24,39%); 30/41 vụ việc (chiếm 73,17%) địa phương nhất trí sẽ rà soát, kiểm tra, xem xét lại việc giải quyết và báo cáo kết quả với UBTVQH (trước Quý II, 2018) để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trả lời phỏng vấn Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nhân dịp xuân Mậu Tuất 2018, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phóng viên: Thưa bà, năm 2017, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 1156/ 2016/UBTVQH13 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện, bà có thể thông tin về những kết quả hoạt động nổi bật của Ban Dân nguyện trong năm vừa qua để cử tri cả nước được biết?

Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Ban Dân nguyện: Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 thì các nhiệm vụ, công việc của Ban Dân nguyện tăng lên rất nhiều. Cụ thể như số đơn mà Ban Dân nguyện nhận và cẩn phải xử lý, xem xét chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tăng lên 3,3 lần. Năm nay Ban Dân nguyện xử lý hơn 13.000 đơn thư do cử tri cũng như là công dân gửi tới. Thứ 2, các công tác liên quan tới việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết nhữngkhiếu lại tố cáo cũng như những kiến nghị của cử tri cũng tăng lên rất là nhiều. Tuy số lượng công việc nhiều như vậy nhưng số lượng con người không được thay đổi, thậm trí còn có một đồng chí lãnh đạo cấp Ban nghỉ hưu.

Tuy nhiên, với sự lỗ lực và đoàn kết, đặc biệt là sự chỉ đạo hết sức là sát sao của lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách, Ban Dân nguyện đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Cụ thể như trong việc giải quyết đơn thư khiếu lại, tố cáo thì những đơn thư Ban Dân nguyện tiếp nhận được, trên cơ sở tham vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, Ban Dân nguyện đã chọn lọc ra khoảng được 165 vụ việc có căn cứ để xem xét, được nghiên cứu và tổ chức giám sát tại 10 địa phương. Đặc biệt, với số vụ việc mà Ban Dân nguyện nghiên cứu đã chủ động làm việc với mỗi địa phương từ 5 đến 6 vụ việc và tổng số vụ việc điển hình nghiên cứu cụ thể là 57 vụ việc. Đặc biệt có 43 vụ việc sau khi trao đổi, thảo luận với địa phương thì địa phương đã đồng tình, nhất trí và có sự xem xét lại để đảm bảo quyền và lợi ích của công dân.

Một con số là 43 vụ việc ở 10 địa phương để được xem xét lại chiếm 75% số các vụ việc mà Ban Dân nguyện nên ra. Nghe thì rất đơn giản như vậy nhưng tôi cũng thấy rất là phẩn khởi, bởi vì có được sự đồng tình của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan tới sự việc mà công dân nêu và có căn cứ để bảo vệ những quyền lợi của công dân.

Có thể nói, qua tiếp xác cử tri tại 63 tỉnh, thành phố thì có rất nhiều các kiến nghị ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng tập chung chủ yếu như; Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính sách cho người có công và vấn đề liên quan tới giao thông, mà điển hình như những công trình về BOT, nâng cấp cơ sở hạ tầng …v...v. Có thể nói, các kiến nghị mà Ban Dân nguyện chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã được các Bộ, Ngành và các đơn vị chức năng rất quan tâm. Mặc dù vậy, với chức năng của mình, Ban Dân nguyện vẫn đôn đốc, theo giõi, giám sát việc giải quyết để làm sao đảm bảo thời hạn trả lời cho cử tri theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp nữa là bản báo cáo mà Ban Dân nguyện trình bày trước Quốc hội, mặc dù chỉ trong vòng có 15 phút nhưng lại được cử tri đánh giá rất cao. Trong báo cáo đã nêu rõ cử tri tỉnh nào kiến nghị và Bộ nào đã giải quyết, giải quyết chất lượng tốt hay chưa tốt… và chúng tôi cũng nêu địa chỉ rõ ràng.

Điều cuối cùng tôi muốn đề cập đến và cũng là điều mà tôi rất tâm đắc đó là việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong các hoạt động của Dân nguyện. Đã liên quan đến người dân thì số lượng rất nhiều. Người dân gửi đơn thư nhiều khi xảy ra trùng lặp thì việc xử lý, giải quyết vấn đề này bằng việc áp dụng Công nghệ thông tin là rất cần thiết và rất hiệu quả. Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai trong toàn hệ thống của Quốc hội. Có thể nói, đó là những điểm sáng mà công tác Dân nguyện đã đạt được trong năm 2017.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trả lời phỏng vấn Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Phóng viên: Trong năm 2017 vừa qua, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo dai dẳng, phức tạp, kéo dài và chưa được giải quyết dứt điểm. Qua các đợt giám sát của Ban Dân nguyện về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, những điều gì khiến bà cảm thấy vẫn còn trăn trở?

Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Ban Dân nguyện: 47 vụ việc mà Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng như các đơn vị giải quyết nhưng người dân nói là bị oan và chúng tôi đánh giá là có căn cứ để xem xét lại và địa phương cũng đồng tình xem xét lại. Tuy nhiên, thời hạn xem xét lại và kết quả xem xét lại thì liên quan tới việc hậu giám sát, hậu kiến nghị. Vì vậy, năm nay Ban Dân nguyện sẽ tập chung đi sâu về vấn đề này. Có thể là số vụ việc không nhiều nhưng Ban Dân nguyện sẽ đi đến cùng. Bởi vì, trong năm vừa qua, Ban Dân nguyện kiến nghị nhưng cũng chưa quan tâm nhiều tới vến đề hậu kiến nghị, hậu giám sát… nên kết quả thực sự cũng còn chưa được như mong muốn. Vì vậy, vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm trong thời gian tới đó là công tác hậu giám sát, hậu kiến nghị.

Có thể nói, các kiến nghị của công dân trong thời gian qua cũng được giải quyết rất là nhiều, tuy nhiên còn tồn đọng cũng không ít. Năm nay, Ban Dân nguyện quyết tâm phối hợp với các Bộ, Ngành giải quyết một cách dứt điểm đối với những kiến nghị còn tồn đọng. Đó là một số những trăn trở mà chúng tôi cũng sẽ triển khai trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa bà, trong năm 2018, Ban Dân nguyện sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì để đáp ứng được kỳ vọng của người dân trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo?

Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Ban Dân nguyện: Thứ nhất, chúng tôi sẽ triển khai tích cực trong vấn đề hậu giám sát, hậu kiến nghị. Thứ 2, tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành chức năng rồi các cơ quan liên quan tới người dân, bên Đảng, các cơ quan đoàn thể khác như Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các tổ chức đoàn thể chính trị khác. Tăng cường chất lượng trong việc giải quyết, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri và công dân, tích cực đi các địa phương, rồi giám sát các vụ việc cụ thể. Tôi đánh giá đó là những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong năm 2018.

Phóng viên: Thông qua Truyền hình Quốc hội Việt Nam, bà có điều gì muốn nhắn gửi tới cử tri và nhân dân trên cả nước?

Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Ban Dân nguyện: Trong thời gian qua, Ban Dân nguyện đã thực hiện tốt những nhiệm vụ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao trong vấn đề giữ mỗi liên hệ với người dân, tiếp thu tất cả những mong ước, nguyện vọng của cử tri và người dân đối với Quốc hội và chuyển tải đầy đủ tới tới Quốc hội.

Qua Truyền hình Quốc hội Việt Nam, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc của mình tới tất cả cử tri và nhân dân trên toàn quốc trong thời gian qua đã hết sức lỗ lực, quan tâm, ủng hộ, động viên Ban Dân nguyện chúng tôi để thực hiện và hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình. Nếu không có sự ủng hộ của người dân đối với công tác dân nguyện thì chắc chắn là chúng tôi không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Thông qua Truyền hình Quốc hội Việt Nam, chúng tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, lời chúc mừng năm mới, một năm mới an khang thịnh vượng, hạnh phúc tràn đầy và liên tục thành công trong mọi lĩnh vực.

Phóng viên: Một lần nữa xin được, trân trọng cảm ơn Trưởng ban Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã trả lời phỏng vấn. Nhân dịp năm mới, thay mặt cho đội ngũ phóng viên, xin được chúc Trưởng ban cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Dân nguyện: một năm mới sức khỏe và thành công, chúc tập thể Ban Dân nguyện tiếp tục đổi mới để xứng đáng với niềm tin Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội và của cử tri đã gửi gắm.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Các bài viết khác