Biển và hải đảo Việt Nam có vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài. Ngay từ khi được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 20 văn bản quy phạm pháp luật gồm 01 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng chính phủ, 01 thông tư liên tịch giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nội vụ, 17 thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ. Có thể kể đến một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực biển và hải đảo đã được ban hành như: Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Quyết định số 23/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Thông tư số 22/2012/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập và thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển...
Năm 2013, Bộ đang tiếp tục xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 12 văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo. Có thể nói, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển, hải đảo đã từng bước được xây dựng, đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.
Công tác điều tra, khảo sát, đo đạc xác lập bản đồ, cơ sở dữ liệu, đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo trong thời gian qua cũng đã được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện, cụ thể: ngày 01 tháng 3 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" (Đề án 47). Việc hình thành và triển khai Đề án 47 đã có những tác động tích cực đến việc củng cố và kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Một số sản phẩm của Đề án là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Đề án đã thu được một số kết quả quan trọng có tính chất hệ thống về điều kiện tự nhiên và tài nguyên - môi trường biển như: địa hình đáy biển, địa chất khoáng sản, địa động lực, địa chất môi trường, tai biến địa chất, tài nguyên sinh vật, tài nguyên vị thế, đất đai, tiềm năng nước ở một số vùng ven biển, một số hải đảo và một số cửa sông; bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu về các kết quả điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển. Thông qua các hoạt động của Đề án đã triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện một số chính sách, quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu, điều tra và quản lý tài nguyên - môi trường biển. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị phương án mở mã ngành mới về đào tạo cán bộ quản lý biển.