Thời gian qua, Bộ Công Thương với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã rất cố gắng chỉ đạo và phối hợp chỉ đạo các cấp, ngành nhằm hạn chế tối đa các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó, có mặt hàng đường nhập lậu. Tuy kết quả chưa đáp ứng được mong muốn của Chính phủ và của người dân nhưng tình hình buôn lậu mặt hàng đường đã giảm. Để tiếp tục kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả hơn nữa tình trạng nhập lậu đường qua khu vực biên giới, Bộ Công Thương đã và đang tập trung triển khai các giải pháp:
- Ban chỉ đạo 127 Trung ương tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan trong việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống buôn bán, vận chuyển mặt hàng đường nhập lậu; Bộ Công Thương cũng tập trung thực hiện Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25 tháng 10 năm 2010 về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu nói chung và đường nhập lậu nói riêng.
- Các lực lượng chức năng tại các địa bàn trọng điểm tiếp tục duy trì và tăng cường tổ chức chốt chặn 24/24 giờ trên các tuyến đường trọng điểm, các điểm nóng mà các đối tượng vận chuyển hàng lậu thường xuyên đi qua; phối hợp với chính quyền xã biên giới tăng cường vận động nhân dân không tham gia vận chuyển đường nhập lậu. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
- Các lực lượng chức năng trên địa bàn khu vực giáp biên giới đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh kho, gia công, đóng gói phải đăng ký, khai báo số lượng đường xuất, nhập, tồn của mình để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, nhằm tránh tình trạng sử dụng quay vòng hóa đơn để hợp pháp hóa đường nhập lậu, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm.
- Các lực lượng chức năng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Đẩy mạnh công tác bảo vệ nội bộ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, không để bị mua chuộc, lôi kéo, vô hiệu hóa. Tăng cường kiểm tra nội bộ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay, bao che cho các hành vi gian lận thương mại nhằm xây dựng lực lượng kiểm tra, kiểm soát vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại nói chung và công tác chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển mặt hàng đường nhập lậu nói riêng trên địa bàn.
- Các cấp, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới, đặc biệt là khu vực trọng điểm về buôn lậu để người dân có việc làm, nâng cao được đời sống của nhân dân khu vực biên giới, thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất cũng như tinh thần giữa các vùng, miền để người dân không tham gia, tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu nói chung và buôn bán, vận chuyển đường nhập lậu nói riêng.
- Về phía doanh nghiệp: Doanh nghiệp sản xuất đường trong nước cần nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh và có biện pháp quản lý việc in ấn, sử dụng bao bì, không để các đối tượng buôn lậu mặt hàng đường sử dụng lại bao bì để sang bao, vận chuyển đường nhập lậu. Đồng thời, quản lý chặt chẽ bán đường, xuất hóa đơn bán đường vào khu vực biên giới dẫn đến việc lợi dụng quay vòng hóa đơn bán đường của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước để buôn lậu đường, vận chuyển, kinh doanh đường nhập lậu.