Toàn cảnh hội nghị
Cùng dự có Trưởng ban Công tác Đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh; đại diện Đoàn đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên Hải bắc Bộ gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Ninh bình, Thái Bình và Hà Nam cùng với sự tham dự của đại biểu HĐND các tỉnh Bến Tre, Cao Bằng, Hòa Bình.
Khẳng định, chất lượng đại biểu là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành cần tiếp thu những kinh nghiệm từ các địa phương khác, đặc biệt cần chuẩn bị tốt nguồn nhân sự có chất lượng để giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cho nhiệm kỳ tới. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và năng lực của đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân tự rèn luyện, trau dồi kiến thức để nâng cao kỹ năng hoạt động, chúng ta cần thực hiện tốt công tác bồi dưỡng cho các đại biểu dân cử cũng như tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân để nâng cao chất lượng xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, làm tốt công tác thẩm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân…
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: "Trong hoạt động xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân cần bám sát thực tiễn, phát hiện đúng và trúng vấn đề, phản ánh kịp thời các kiến nghị của cử tri, thảo luận dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, đưa ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; trong hoạt động giám sát cần bảo đảm hợp lý, khoa học, tiếp tục đổi mới theo hướng kết hợp nhiều hình thức giám sát, nhất là hoạt động chất vấn, cần tham vấn ý kiến của cử tri, của người dân, các chuyên gia, nhà khoa học. Sau giám sát cần có kết luận giám sát làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị giám sát, tổ chức tái giám sát nếu thấy cần thiết..."
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị các tỉnh, thành phố cần bảo đảm chế độ, chính sách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, từ chế độ tiền lương, phụ cấp đến việc cung cấp thông tin. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng đề nghị các địa phương cung cấp và duy trì các thiết bị công nghệ số để đại biểu hoạt động, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
"Hiện nay, một số địa phương trên cả nước đã thực hiện mục tiêu “kỳ họp không có tài liệu”(khu vực của chúng ta có thành phố Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh và một số tỉnh khác đã thực hiện). Việc áp dụng công nghệ thông tin đã giảm tải công việc cho văn phòng giúp việc, cũng như tạo sự chủ động, chuyên nghiệp của đại biểu Hội đồng nhân dân" – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết.
Liên quan đến các đề xuất, kiến nghị của thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết các kiến nghị đề xuất rất rộng, không chỉ liên quan đến vị trí, vai trò chức năng nhiệm vụ cuả đại biểu Hội đồng nhân dân mà còn đề cập đến hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân trong điều kiện đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao vai trò của cơ quan đại diện quyền lực nhà nước ở địa phương. Đối với những vấn đề đặt ra như có nên tinh giảm biên chế, giảm số lượng đại biểu chuyên trách, cấp phó. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các ý kiến đóng góp của các đại biểu bằng văn bản gửi về các cơ quan có thẩm quyền cần phải làm triển khai thận trọng, phát huy trí tuệ của tập thể Thường trực Hội đồng nhân dân, đặc biệt chú trọng thực hiện đề án chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân sắp tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (thứ 3 từ trái sang) tham dự và chỉ đạo hội nghị
Trước đó, theo Trưởng Ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy, chất lượng và hoạt động hội đồng nhân dân cần tiếp tục nâng cao trong thời gian tới bởi vẫn còn tình trạng đại biểu HĐND vừa phải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vừa phải bảo đảm cơ cấu, thành phần nên chất lượng đại biểu còn chưa đồng đều, tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân cơ cấu và kiêm nhiệm vẫn còn cao, nên vẫn còn nhiều đại biểu chưa dành nhiều thời gian cho các hoạt động của cơ quan dân cử. Một số đại biểu giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do vậy khi thực thi trách nhiệm không tránh khỏi tình trạng "Vừa đá bóng, vừa thổi còi". Nhiều đại biểu mới tham gia lần đầu còn thiếu các kỹ năng trong việc phát huy vai trò của đại biểu như: Kỹ năng giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri, trả lời ý kiến của cử tri... hay còn nể nang, né tránh, ngại va chạm cũng như chế độ đãi ngộ đối với Hội đồng nhân dân chưa hợp lý.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhiều kinh nghiệm, giải pháp, những cách làm hay, sáng tạo của các địa phương đã được trao đổi thẳng thắn, cởi mở như việc bảo đảm cơ cấu và chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình; việc đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, vai trò hoạt động của đại biểu chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm của thành phố Hải Phòng và tỉnh Nam Định; các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thảo luận của thành phố Hà Nội, tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh; các giải pháp nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đại biểu nhân dân của tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hưng Yên. Việc ban hành hướng dẫn đánh giá chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, đồng thời đánh giá theo nhóm đại biểu Hội đồng nhân dân (đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu chuyên trách) để bảo đảm tính chính xác và phù hợp của tỉnh Hà Nam, hay Giải pháp đánh giá xếp loại mức độ thực hiện nhiệm vụ của từng đại biểu thông qua việc đại biểu Hội đồng nhân dân phối hợp với cấp ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân giao Tổ đại biểu đánh giá và có báo cáo hàng năm của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhiều đại biểu đã đi sâu phân tích về các kỹ năng chất vấn, thảo luận, kỹ năng giám sát, kỹ năng thẩm tra cũng như những kinh nghiệm nâng cao chất lượng, vai trò hoạt động của đại biểu chuyên trách; đại biểu kiêm nghiệm; việc lựa chọn hợp lý đối với ứng cử viên của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò cầu nối của Hội đồng nhân dân với cử tri và nhân dân, đặc biệt tại nơi ứng cử.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng các đại biểu dự chứng kiến chuyển giao Cờ đăng cai Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân
Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò và trách nhiệm của đại biểu góp phần phản ánh hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tại địa phương. Do đó, các đại biểu Hội đồng nhân dân cần tích cực đổi mới, sáng tạo, chủ động nâng cao chất lượng hoạt động nhằm phát huy tốt vai trò của Hội đồng nhân dân, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề nóng, giảm bớt tình trạng khiếu kiện, tố cáo của nhân dân và nâng cao chất lượng thực thi công vụ của các cơ quan hành chính. Các địa phương cũng cần có nhiều chính sách thu hút đại biểu có trình độ chuyên môn, năng lực tham gia hoạt động chuyên trách và tham gia hoạt động các ban Hội đồng nhân dân tỉnh..
Nhân dịp này, đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam đã bàn giao Cờ đăng cai Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ 8 cho Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình./.