Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân

28/04/2014

Ngày 28 tháng 4 năm 2014, tại Thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì tổ chức Hội thảo với chủ đề “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân”.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, Ban Dân nguyện, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ. Đặc biệt là sự tham dự của các đại biểu là Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và 05 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Về phía tỉnh Tây Ninh, tham dự hội thảo có đồng chí Võ Hùng Việt, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

 

Tại hội thảo, sau khi đồng chí đồng chí Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban Công tác đại biểu phát biểu khai mạc, đồng chí Ngô Tự Nam, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu đã trình bảy vắn tắt, cô đọng những điểm mới của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; đại diện 08 tỉnh, thành phố đã trình bày tham luận, phát biểu trao đổi nhiều vấn đề về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân. Từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, các đại biểu đã đánh giá khách quan những mặt được và thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, tập trung một số vấn đề như: Cơ cấu tổ chức của Thường trực Hội đồng nhân dân, vị trí và vai trò của Thường trực Hội đồng nhân dân, cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động của Hội đồng nhân dân… Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc xây dựng luật tổ chức chính quyền địa phương; kiện toàn tổ chức bộ máy giúp việc Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; về ban hành Luật về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân…. góp phần để Hội đồng nhân dân hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

 

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc tổ chức hội thảo là rất cần thiết nhằm phân tích, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những bất cập, yếu kém trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, trên cơ sở đó nghiên cứu những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Phó chủ tịch Quốc hội ghi nhận những kết quả đạt được của Hội đồng nhân dân các cấp trong nửa chặng đường nhiệm kỳ 2011-2016 với nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan dân cử. Các ý kiến tại Hội thảo hết sức phong phú, đa chiều, tâm huyết và xây dựng. Phó chủ tịch Quốc hội cho biết pháp luật về chính quyền địa phương đang được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng phân công, phân cấp rõ thẩm quyền của chính quyền Trung ương và địa phương để phát huy thế mạnh của địa phương; ban hành luật giám sát của Hội đồng nhân dân, luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức Hội đồng nhân dân hợp lý để bảo đảm hiệu lực hiệu quả…

 

Hội thảo đã để lại nhiều ấn tượng trong đại biểu tham dự với sự chuẩn bị và tổ chức chu đáo, sự tham gia của nhiều địa phương, cũng như đại diện của nhiều cơ quan hữu quan của Trung ương. Các ý kiến tham luận tại Hội thảo là sự kết tinh trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh của đại biểu dân cử với mong muốn xây dựng vị thế của Hội đồng nhân dân thật sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. 

(Theo Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Tây Ninh)