UBTVQH THẢO LUẬN VỀ CÁC VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

11/02/2020

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 42, ngày 11/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số nội dung

Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội một cách toàn diện, đầy đủ, ngày 06/01/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản số 513/UBTVQH14-PL gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Đoàn ĐBQH đề nghị tổ chức rà soát toàn bộ các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức mình, phát hiện các vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và đề xuất các nội dung cụ thể cần được sửa đổi, bổ sung trong Luật.  Tính đến ngày 07/02/2020, mới có Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực của 07 Ủy ban,  02 Ban, Viện Nghiên cứu lập pháp, 25 Đoàn ĐBQH và 01 đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban  gửi văn bản tham gia ý kiến, đề xuất các nội dung liên quan đến việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đề nghị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề xuất tiếp thu 9 nội dung về: tiêu chuẩn về quốc tịch đối với ĐBQH; việc quyết định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; luật hóa quy định về đánh giá, phân loại đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương; thay hình thức văn bản kết luận bằng nghị quyết phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giữ số lượng Hội đồng, Ủy ban nhưng đề nghị đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; giữ quy định vế số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như hiện nay; gắn quyền đăng ký tham gia làm thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của ĐBQH với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thành viên Hội đồng, các Ủy ban; bổ sung quy định về hình thức hoạt động của ĐBQH hoạt động chuyên trách; quy định kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH do ngân sách trung ương bảo đảm. 

Ngoài ra, đối với các nội dung có ý kiến khác nhau như về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật; về đại biểu Quốc hội; về Đoàn đại biểu Quốc hội; về Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về cơ cấu Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban của Quốc hội; về việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo đầy đủ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tại kỳ họp thứ 8 ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn nêu những vấn đề tâm tư, lo lắng đọng từ lâu. Đồng thời đánh giá rất cao Ủy ban Pháp luật cũng như Cơ quan trình đã tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đối với một dự Luật khó và nhạy cảm như luật này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đưa ra quan điểm

Cho ý kiến về vấn đề số lượng đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, quy định của Luật phải làm sao thu hút được các đồng chí chuyên gia nhưng đồng thời đã từng công tác ở cơ quan Quốc hội hoặc từng công tác ở các Bộ, nếu được thì không giữ chức vụ gì cả chỉ làm đại biểu Quốc hội, để thu hút chất xám và đặc biệt là kinh nghiệm công tác và trí tuệ của họ, uy tín của họ đóng góp cho hoạt động của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng nên quy định thẳng vào trong luật là số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất phấn đấu từ 37% đến 40% tổng số đại biểu Quốc hội như hướng dẫn của Trung ương và Ban Công tác đại biểu đề xuất trong nhiều khóa là sẽ thu hút được các đồng chí đã có kinh nghiệm và các đồng chí chuyên gia.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Quốc hội làm việc tập thể, quyết định theo đa số, đó là nguyên tắc xuyên suốt từ hoạt động của Quốc hội đến Thường vụ Quốc hội cho đến các Ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên trong Luật Tổ chức Quốc hội có một số điểm quy định mang tính hành chính, vì thế cần rà lại nhiều vấn đề của dự Luật theo tinh thần của Hiến pháp và đảm bảo tính khoa học quản lý chứ không đơn thuần là gắn trách nhiệm lên vai người đứng đầu. Bên cạnh đó, tên gọi của các Ủy ban cũng cần gọn lại cho khoa học, vấn đề nhiệm vụ nội bộ của các Ủy ban cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho ý kiến

Phát biểu ý kiến về nội dung địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực chất vừa qua chúng ta đã tăng cường chức năng, nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội như một cơ quan bao gồm có Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, cơ quan giúp việc, có con dấu, có tài khoản, thậm chí được quyền giám sát. Tuy nhiên việc này có thể phần nào ảnh hưởng đến quyền của đại biểu Quốc hội, ví dụ như quyền quyền giám sát, quyền độc lập phát biểu ý kiến. Do đó cần rà lại nội dung về Đoàn đại biểu Quốc hội đúng quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội quy định theo đúng tinh thần Đoàn đại biểu Quốc hội là tập hợp các đại biểu Quốc hội bầu ở trung ương và địa phương. Còn kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của bộ phận tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương được ngân sách cấp tỉnh bảo đảm theo phân bổ dự toán của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội và chi phí cho đại biểu Quốc hội khi tham gia các hoạt động do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là một dự Luật quan trọng, đa số đại biểu Quốc hội mong muốn lần sửa đổi này không làm giảm vị thế, vai trò, hoạt động của các đại biểu. Cơ bản trong khóa XIV, thực tiễn hoạt động của các đại biểu Quốc hội không có gì vướng mắc, do đó lần sửa đổi lần này không đặt phạm vi sửa đổi toàn diện Luật mà chỉ sửa đổi một số điều. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý nên để con số 40% đại biểu chuyên trách trên tổng số đại biểu Quốc hội để có mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực,chuẩn bị công phu của Cơ quan soạn thảo và Ủy ban Pháp luật. Đối với những nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo, Cơ quan Thẩm tra cùng với các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự Luật trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến tại Phiên họp này./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác