Lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự tăng trưởng

29/07/2016

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Nhất, sáng 29/7, tại Nhà Quốc hội, nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, tuy nhiên, các vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, các giải pháp thực hiện phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2016 cần lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự tăng trưởng, không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc phát biểu tại phiên thảo luận                          Ảnh: Đình Nam

Bày tỏ đồng tình với những nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016, đại biểu Phạm Phú Quốc- Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Báo cáo đã thể hiện được bức tranh kinh tế của cả nước trong 6 tháng đầu năm và những nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ nhằm đạt được những chỉ tiêu kinh tế cao nhất trong điều kiện có thể được mà không điều chỉnh kế hoạch đã được Quốc hội thông qua.

Đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng, với tình hình như trong Báo cáo đã nêu, năm 2016 khó đạt được mục tiêu GDP tăng trưởng 6,7% như kế hoạch đã đặt ra. Tuy nhiên, không cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu kế hoạch mà tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là giải quyết các khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu, phải tập trung cho các dự báo trung và dài hạn về biến đổi khí hậu để chủ động đưa ra sinh kế cho người dân. Đại biểu đề nghị, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà cần quan tâm đến chất lượng tăng trưởng; Tập trung các chính sách để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện các nhiệm vụ còn lại của chiến lược phát triển kinh tế đến 2020.

Về đầu tư công cần gắn với việc thực hiện đầu tư công và Luật ngân sách nhà nước tạo đòn bẩy kinh tế từ nguồn ngân sách, cần xóa bỏ cơ chế xin cho, tăng tính tự chủ, tính tự chịu trách nhiệm về ngân sách cho chính quyền địa phương; Tạo điều kiện về cơ chế để những địa phương có những điều kiện khai thác các nguồn thu cho đầu tư; Cần có chính sách minh bạch và cơ chế trách nhiệm rõ ràng giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong thực hiện dự án công tư hợp tác PPP.

Về thị trường tài chính, cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống ngân hàng thương mại, giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, quản lý điều hành yếu kém dẫn đến rủi ro. Đồng thời, cần phát triển đồng bộ thị trường vốn trung và dài hạn thông qua thị trường chứng khoán; Phát huy vai trò Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò Sở giao dịch chứng khoán quốc gia, từng bước nâng tầm với các thị trường chứng khoán của các nước trong khu vực, tạo điều kiện phát triển đồng bộ thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước như kế hoạch đã đặt ra, nhanh chóng xây dựng mô hình đại diện chủ sở hữu vốn, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, phải sử dụng nguồn vốn này phục vụ cho mục tiêu tái cơ cấu kinh tế tránh phân tán nguồn vốn. Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các tập đoàn kinh tế mạnh đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế, tạo nên thương hiệu quốc gia. Đối với doanh nghiệp nhà nước theo phân cấp do chính quyền địa phương quản lý, cần giao nguồn vốn này cho địa phương được sử dụng để đầu tư vào kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế và cải tạo dân sinh.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: "Cần lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự tăng trưởng"

Còn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc- Thái Bình cho rằng, nền kinh tế chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm có những nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chưa giải quyết được một cách thực chất những vấn đề lớn của nền kinh tế còn tồn đọng. Việc cắt giảm biên chế và chi tiêu của Chính phủ chưa có chuyển biến đáng kể. Tình trạng thâm hụt ngân sách vẫn cao và vẫn tiếp diễn, thậm chí còn vượt quá mức 5% theo dự toán Quốc hội thông qua, nợ công vẫn tiếp tục gia tăng và có khả năng vượt trần ngay trong năm nay. Nợ xấu mới chỉ được chuyển sang cho VAMC, chưa thực sự được mua bán sang tên, đổi chủ bằng “tiền tươi thóc thật”.

Con số tăng trưởng tín dụng cũng không thực chất, chưa rõ bao nhiêu % là do các ngân hàng thương mại đảo nợ, bao nhiêu % là do các ngân hàng thương mại mua trái phiếu Chính phủ. Bởi vậy, mặc dù tín dụng tăng trưởng cao nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn và vẫn phải trả với mức lãi suất cao hơn nhiều so với lạm phát. Công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước và trọng tâm là cổ phần hóa diễn ra rất chậm. Tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa không những không đạt kế hoạch mà quy mô thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp nhà nước chỉ ở mức tượng trưng, không đủ để tạo nên những thay đổi về hiệu quả của quản trị. Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 đã cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp chưa thực sự được phục hồi.

Do đó, để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị, cần lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự tăng trưởng, không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá; Tập trung hóa giải các nút thắt chi tiêu Chính phủ, nợ công, nợ xấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước và cải cách hành chính;  Phát triển doanh nghiệp là chìa khóa của sự phát triển.

Quốc hội cần có Nghị quyết để thúc đẩy giám sát chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ; cần hoàn thiện hệ thống luật pháp, tăng cường công tác tư pháp và giám sát tối cao, các địa phương ở tuyến đầu trong phát triển kinh tế; khuyến khích, ủng hộ Chính phủ trong việc thực hiện những mô hình đột phá sáng tạo trong phát triển kinh tế của các địa phương, các đặc khu kinh tế, các cơ chế thí điểm, cơ chế đặc thù. Thực hiện chính quyền điện tử, thành lập các trung tâm dịch vụ hành chính công, các cơ quan xúc tiến và hỗ trợ độc lập đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương. Các dự án nâng cấp trụ sở, phương tiện làm việc của các cơ quan chính quyền theo phương thức đầu tư tư, sử dụng công. Đẩy mạnh việc xã hội hóa trong đầu tư phát triển và mở rộng các dịch vụ công ở mọi cấp chính quyền.

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn đưa ra 6 đề xuất cho kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm 2016

Phân tích về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, đại biểu Trần Anh Tuấn- Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo, trong đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 6,2%. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng 6,7% theo kế hoạch của Quốc hội thì GDP quý III phải đạt 7,2% và quý IV đạt 8,1%, cao hơn mức tăng trưởng quý III và quý IV năm 2015. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách hiện nay, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% rất khó có khả năng thực hiện. Bên cạnh thâm hụt ngân sách, tình hình nợ công tuy vẫn trong ngưỡng cho phép nhưng có chiều hướng gia tăng và đang ở mức đáng lo ngại. Bội chi tăng, nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011- 2015. So với các nước trong khối ASEAN, Việt Nam có mức nợ công GDP cao hơn, cao gấp đôi so với nhiều nước và 1,5 lần so với Thái Lan, nước có nợ công trên GDP đứng sau Việt Nam. Nợ công tăng nhanh nhưng khả năng trả nợ còn hạn chế, gây áp lực tăng lãi suất trong nước, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và các ngành, tạo rủi ro và thách thức trong phát triển trung và dài hạn.

Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị, một số nội dung, giải pháp trong thời gian tới như: Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư, trong đó tập trung vào những nhóm trở ngại lớn như thuận tiện trong việc tiếp cận tài chính, nguồn lực đất đai cho doanh nghiệp, đào tạo lao động có tay nghề trong những ngành có lợi thế cạnh tranh, hàm lượng khoa học công nghệ cao, giảm tối đa những chi phí không chính thức, phát huy tính năng động của chính quyền, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho các thành phần kinh tế.

Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Đây là 3 động lực chính, tạo nên bức phá trong hoạt động của toàn hệ thống doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, kéo giảm mặt bằng lãi suất của thị trường, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thứ tư, khuyến khích thành lập những tập đoàn lớn, đủ mạnh, có khả năng dẫn dắt thị trường, kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành chuỗi liên kết, cụm liên kết sản xuất trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các ngành có lợi thế cạnh tranh, các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ năm, thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ hơn, siết chặt kỷ cương tài chính ngân sách, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách thông qua sử dụng hiệu quả vốn vay nhà nước. Huy động, thu hút sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Cuối cùng, cụ thể hóa những cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong Luật chính quyền địa phương theo hướng phân cấp mạnh hơn cho các địa phương, đặc biệt là các đô thị, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội chung cho cả nước.

Quang Minh