Toàn cảnh Tọa đàm
Chương trình tọa đàm nhằm chia sẻ ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đánh giá khó khăn, thách thức, những điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng của ngành đường sắt. Qua đó đưa ra các giải pháp cần tháo gỡ để đưa tiềm năng, thế mạnh trong vận tải đường sắt thực sự đi vào cuộc sống như kỳ vọng của Luật Đường sắt (sửa đổi) năm 2017.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu nêu rõ, vận tải đương sắt từ khi ra đời cho đến nay không chỉ đóng vai trò quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế nối liền các khu dân cư, trung tâm văn hóa nông nghiệp và công nghiệp suốt từ bắc vào nam mà còn là sự khẳng định tính ưu việt bởi bên cạnh lợi thế là loại hình vận chuyển có độ tin cậy cao, an toàn, ít bị tác động bởi thời tiết, giá cước rẻ và khối lượng vận tải lớn. Có lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, đường sắt từng là phương tiện vận chuyển chiếm ưu thế so với các loại hình vận tải khác. Tuy nhiên, phát triển rồi “ngủ quên” khiến ngành này đang trở nên tụt hậu so với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận tải.
Một số đại biểu cũng chỉ rõ thực trạng, hiện nay hệ thống nhà trên tuyến phần lớn quy mô nhỏ, hạ tầng cũ, chiều dài đường ga ngắn; hệ thống thông tin tín hiệu trên các tuyến không đồng bộ về công nghệ, kỹ thuật, mỗi tuyến, khu đoạn lại sử dụng một công nghệ. Các đầu máy đang hoạt động với 90% có tuổi đời từ 30 năm trở lên. Toa xe khách và xe hàng của đường sắt cũng được khai thác nhiều năm với nhiều chủng loại. Đường nhánh đường sắt kết nối với cảng biển rất kém và chưa tương xứng theo quy mô phát triển tại các cảng lớn.
Tại Tòa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng chỉ ra một thực tế rằng, nhận thức và hành động về phát triển đường sắt chưa được đồng hành, do đó việc phân bổ vốn ngân sách để đầu tư phát triển ngành đường sắt cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho ý kiến
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và các đại biểu nhận định, trên thế giới, đường sắt vẫn là phương tiện vận chuyển hàng hóa kinh tế và hiệu quả. Ðặc điểm của đường sắt có sự đồng bộ hết sức chặt chẽ giữa hệ thống phương tiện và kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên một số đại biểu đánh giá, Đường sắt Việt Nam đang đứng trước thách thức rất to lớn, đó là hạ tầng rất lạc hậu, thị phần thấp; Mạng lưới đường sắt chưa kết nối được với các khu kinh tế mới, khu công nghiệp, nhất là các cảng biển nên chưa tăng được sản lượng. Do đó các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần nhìn nhận, đánh giá đúng mức vị trí quan trọng của vận tải đường sắt đối với sự phát triển kinh tế quốc gia để có những quyết sách táo bạo, đặc thù, giúp đường sắt phát triển đột phá. Cần ưu tiên nguồn lực đầu tư phù hợp, bảo đảm đường sắt phát triển vững chắc, lâu dài.
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đại biểu cũng chỉ rõ, vấn đề rất quan trọng để ngành đường sắt phát triển là vốn đầu tư cho hạ tầng đường sắt. Nhưng nguồn lực đầu tư cho đầu tư phát triển đường sắt hạn chế trong khi xã hội hóa đường sắt rất khó khăn, rất khó thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước. Đây là nguyên nhân chính cản trở phát triển đường sắt, hiện đại hóa đường sắt.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ thực tế nhiều năm qua, dù ngành đường sắt không ngừng kêu gọi đầu tư với nhiều hạng mục vào đường sắt nhưng các nhà đầu tư không mặn mà. Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho việc nhà đầu tư tư nhân không mấy mặn mà với các dự án hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên trong đó đáng chú ý là do thiếu hành lang pháp lý, tính thanh khoản không cao, tính sở hữu không có, vì đất, tài sản kết cấu hạ tầng, nhà ga là của Nhà nước, không thể xây lên rồi bán hay khai thác được. tuy nhiên trong tất cả các duy định thì sự bảo lãnh từ phía nhà nước về việc đầu tư còn chưa cao. Bên cạnh đó, một nguyên nhân cũng được cho là quan trọng không kém đó là do đặc thù đầu tư vào hạ tầng đường sắt cần vốn cao gấp 3 lần so với đường bộ khả năng thu hồi vốn chậm, rủi ro đầu tư cao… đang là những khó khăn khiến nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư vào hạ tầng đường sắt. Đầu tư thấp, chi phí bảo trì nhiều, sửa đổi cơ chế để bình đẳng với các phương tiện vận tải khác; tầm nhìn chiến lược đối với ưu tiên phát triển đường sắt.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đưa ra quan điểm
Đưa ra giải pháp để khắc phục những hạn chế trong việc phát triển ngành đường sắt, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, cần phải có cuộc cách mạng để cải tổ nhận thức về đường sắt, xây dựng một hệ thống đường sắt mới thích nghi với sự phát triển của khoa học công nghệ, khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam... Tuy nhiên để làm được điều này thì cần nhận định được năng lực tài chính quốc gia, trong khi nguồn vốn ngân sách eo hẹp thì cần sử dụng nguồn vốn vay và huy động xã hội hóa. Phải làm sao để nhà đầu tư nhìn thấy lợi nhuận và có niềm tin vào việc đầu tư? Để trả lời câu hỏi này thì ngành đường sắt và các nhà hoạch định chính sách phải nghĩ đến việc hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng đường sắt.
Kết thúc tọa đàm, đại diện lãnh đạo Báo Đại biểu nhân dân trân trọng cảm ơn ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự; khẳng định đây là những thông tin quý báu để các đại biểu Quốc hội trên cơ sở này sẽ đưa ra các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý để tháo gỡ những nút thắt, đưa ngành đường sắt Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được những yêu cầu phát triển của thực tiễn./.