MỘT SỐ HÌNH ẢNH ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ ĐỀ ÁN HỢP NHẤT VĂN PHÒNG CẤP TỈNH

05/09/2018

Ngày 05/9, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tiến hành họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ Đề án hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Trình bày tóm tắt đề án, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Trưởng ban soạn thảo Đề án cho biết: Văn phòng chung là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh, thành phố; là cơ quan tương đương cấp Sở tại địa phương, trực thuộc UBND, nhưng không phải là cơ quan chuyên môn. Nhiệm vụ của Văn phòng chung được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa các nhiệm vụ của 3 Văn phòng như hiện hành, nhưng theo hướng tập trung vào chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ, còn nhiệm vụ giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước đang được Văn phòng UBND thực hiện đề nghị chuyển giao về các sở chuyên môn. Đề án đề xuất Văn phòng chung có Chánh Văn phòng, không quá 4 Phó Chánh Văn phòng, riêng Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội bố trí không quá 5 Phó Chánh Văn phòng. Tuy nhiên, về cơ cấu, tổ chức cụ thể của Văn phòng, Đề án đưa ra hai phương án. Tổ chức, thành lập số phòng theo đối tượng phục vụ hoặc theo nội dung, tính chất công việc...

Thảo luận về vấn đề này, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết của Đề án và tán thành quy định với vị trí của Văn phòng chung, vì kế thừa vị trí pháp lý hiện nay của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh. Việc quy định Văn phòng chung không phải cơ quan chuyên môn sẽ giúp Văn phòng không phải thực hiện chức năng giúp UBND thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về một ngành, hoặc lĩnh vực cụ thể, qua đó có điều kiện tập trung vào công tác tham mưu tổng hợp, và các công tác hành chính, quản trị khác...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp.

Trình bày tóm tắt đề án, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Trưởng ban soạn thảo Đề án cho biết: Văn phòng chung là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh, thành phố; là cơ quan tương đương cấp Sở tại địa phương, trực thuộc UBND.

 

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhiệm vụ của Văn phòng chung được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa các nhiệm vụ của 3 Văn phòng như hiện hành, nhưng theo hướng tập trung vào chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ, còn nhiệm vụ giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước đang được Văn phòng UBND thực hiện đề nghị chuyển giao về các sở chuyên môn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo về đề án hợp nhất 3 văn phòng.

Thảo luận về Tờ trình của Đề án, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành đề án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về thực hiện hợp nhất Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH, và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu giúp việc chung.

Cho ý kiến về nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng chung, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, loại bỏ các nhiệm vụ mang tính tham mưu chuyên sâu về chuyên môn của UBND để chuyển giao cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thực hiện.

Các đại biểu cũng đề nghị việc hợp nhất thành lập Văn phòng chung phải đảm bảo yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả các văn phòng.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Thái Bình cho rằng: “Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là chính quyền địa phương. Sắp tới có sửa luật cũng không thể đưa đoàn đại biểu Quốc hội vào chính quyền địa phương được, chính vì vậy ban soạn thảo đề xuất tên gọi “Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là hợp lý”.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, cơ cấu tổ chức bên trong giao toàn quyền cho địa phương quyết định trên cơ sở tiêu chí Trung ương quy định. Tiêu chí thì phòng tổ chức bên trong đa ngành, đa lĩnh vực. Khung biên chế tối thiểu phải 7 người. Biên chế theo các kết luận của Đảng, các Nghị quyết Trung ương thì tinh thần từ nay đến năm 2030 là giảm biên chế và giảm thường xuyên. Như vậy sẽ không có tình trạng tăng biên chế khi lập tổ chức.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định cứng thời gian triển khai thí điểm mà có thể thí điểm cho đến khi Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong quá trình thí điểm, cần tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm làm cơ sở để sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan.

Phó Trưởng ban Công tác Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Phó Trưởng ban soạn thảo, phát biểu tại phiên họp.

Tiếp thu giải trình ý kiến các thành viên Ủy ban pháp luật, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng ban soạn thảo đề án, ghi nhận những ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội; khẳng định, việc sát nhập các văn phòng là cần thiết, tuy nhiên, trong quá trình thí điểm nếu thấy phù hợp thì nhân rộng, nếu còn tồn tại, bất cập sẽ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, công phu của ban soạn thảo. Hồ sơ của Đề án đầy đủ, ban soạn thảo đã tổ chức hội nghị hội thảo ở địa phương ở 3 vùng, tổ chức lấy ý kiến Chính phủ, tham vấn ý kiến chuyên gia để xây dựng và hoàn thiện Đề án. 

Trọng Quỳnh