Ngày 22/8/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 423/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập Ban chỉ đạo Đề án để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XIV.
Ngày 16/8 vừa qua, Ban soạn thảo Đề án đã tổ chức buổi tọa đàm để lấy ý kiến các đồng chí nguyên là đại biểu Quốc hội các khóa trước, các đồng chí đại diện cho Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và một số chuyên gia về mục tiêu, định hướng, quan điểm và những nội dung tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XIV.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – Trưởng ban Chỉ đạo Đề án phát biểu tại buổi tọa đàm.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – Trưởng ban Chỉ đạo Đề án nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, sự tiếp tục kế thừa, phát triển, đổi mới của Quốc hội nước ta kể từ năm 1945 đến bây giờ.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã có nhiều văn bản, trong đó có Hiến pháp, luật, nghị quyết về tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết 27 của Quốc hội khóa XIII, ngay vào kỳ họp thứ hai Quốc hội đã có nghị quyết về giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tiếp đó là các Luật về tổ chức Quốc hội, về hoạt động giám sát, quy chế, nội quy hoạt động Quốc hội trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013.
Trên cơ sở đó, để tiếp tục đề xuất những giải pháp đổi mới hoạt động Quốc hội thế nào cho có hiệu lực, hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – Trưởng ban Chỉ đạo Đề án đã đưa ra một số yêu cầu đối với Đề án:
Thứ nhất, phải tiếp tục đổi mới hoạt động theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung, phát triển năm 2011, các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết 19 của Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong định hướng đổi mới Quốc hội, nghị quyết xác định tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy của Quốc hội theo hướng tinh gọn, nhất là các cơ quan của Văn phòng Quốc hội và tinh giản cấp phó, giảm ủy viên thường trực, tăng ủy viên chuyên trách để bảo đảm hoạt động tập thể của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu để sắp xếp lại các cơ quan phục vụ của Quốc hội, theo chủ trương của Trung ương tới đây sẽ tiến hành thí điểm việc hợp nhất 3 văn phòng: Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thành một cơ quan tham mưu phục vụ chung cho cả 3 cơ quan. Tiếp tục nghiên cứu để tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở các cơ quan Quốc hội và giảm số lượng đại biểu Quốc hội ở các cơ quan hành pháp, các cơ quan khác của nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đưa ra 3 yêu cầu đối với Ban soạn thảo Đề án.
Thứ hai, cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Quốc hội theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, các quy định của pháp luật, vừa nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời bảo đảm số lượng công việc cần thiết theo yêu cầu và tiết kiệm được thời gian làm việc của Quốc hội.
Thứ ba là kế thừa, phát huy có hiệu quả những thành tựu đã đạt được của các khóa Quốc hội trước đây, nhất là những kết quả đã đạt được sau khi triển khai Nghị quyết 27 ngày 21/6/2012 bảo đảm có thể áp dụng ngay tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – Trưởng ban Chỉ đạo Đề án nhấn mạnh: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội là một quá trình liên tục, với nhiều nội dung. Trong đề án lần này sẽ tập trung vào việc đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động của Quốc hội trên cơ sở Hiến pháp và khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo Đề án khẩn trương hoàn thiện đề án và dự thảo, gửi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để đưa ra phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9 và trình ra Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10 tới đây./.