Cùng tham dự Phiên họp có Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban Thường trực soạn thảo sửa đổi quy chế làm việc của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần và các thành viên Ban soạn thảo.
Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về việc sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại cuộc họp, ông Vũ Khắc Định, Tổ trưởng Tổ Biên tập báo cáo về việc sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội. Theo đó, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ban hành kèm theo Nghị quyết số 1075/2015/UBTVQH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 là cơ sở pháp lý quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nhiệm vụ, quyền hạn đúng quy định, hoạt động đi vào nền nếp, chuyên nghiệp hơn, thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội. Quy chế góp phần tích cực trong thế việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung, các cơ quan của Quốc hội nói riêng.
Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số luật có liên quan. Đồng thời quy định khá cụ thể, khoa học về quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nhiều đổi mới, cải tiến trong cách thức tổ chức, tiến hành phiên họp, có cơ chế thúc đẩy mối quan hệ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan hữu quan theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Các hình thức làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được quy định khá rõ ràng, là cơ sở để Chủ tịch Quốc hội quyết định việc áp dụng hình thức làm việc phù hợp với khối lượng công việc, tính chất công viêcj, nội dung công việc và điều kiện thực tế. Việc tổ chức phiên họp đã được quy định chặt chẽ, khoa học, phù hợp trong Quy chế từ việc xây dựng chương trình, chủ tọa phiên họp, báo cáo thảo luận, quyết định các vấn đề tại phiên họp, đã giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp theo hướng thực chất, đề cao tính chủ động, sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số, tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan, bảo đảm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của mình. Hình thức cho ý kiến bằng văn bản được tiến hành thường xuyên, giúp giảm tải cho hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, nhất là các phiên có nhiều nội dung vào tháng 4 và tháng 9 hàng năm. Việc ban hành Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp được tiến hành bài bản, đúng quy định... đã nêu đầy đủ, chính xác các vấn đề được Chủ tọa kết luận tại phiên họp, làm căn cứ để các cơ quan hữu quan kịp thời triển khai. Việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được thực hiện đúng quy định, đạt kết quả tốt, có nhiều ý kiến thảo luận sâu sắc giúp cho việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án, báo cáo đảm bảo chất lượng.
Ông Vũ Khắc Định, Tổ trưởng Tổ Biên tập báo cáo về việc sửa đổi quy chế làm việc của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội.
Các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng luôn bảo đảm thực hiện nghiêm túc, bài bản, đúng quy định. Trình tự, thủ tục xem xem xét vấn đề nhân sự và tổ chức bộ máy nhà nước đã được quy định chặt chẽ, tạo điều kiện cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan hữu quan có sự chủ động trong tổ chức thực hiện các công việc… Trong hoạt động đối ngoại, Quy chế đã quy định đầy đủ quy trình trong thực hiện quan hệ đối ngoại được quy định tại Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội.
Sau hơn 05 năm thi hành, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời đưa ra bàn thảo, thống nhất hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn cuộc sống. Việc cố định thời gian tiến hành phiên họp hàng tháng đã góp phần thúc đẩy, nâng cao tính chủ động trong hoạt động của các cơ quan...
Công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được quan tâm, bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan theo từng lĩnh vực công tác, tránh sự bị động và hạn chế tối đa chồng chéo. Công tác điều hành phiên họp khoa học, chủ động, bảo đảm nguyên tắc, quy định nhưng vẫn linh hoạt, phát huy được trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của từng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phương thức hoạt động, lề lối làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được cải tiến, đổi mới, đề cao dân chủ trong thảo luận, quyết định.... qua đó góp phần tăng cường tính dân chủ, khoa học, nângcao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Các thành viên Ban soạn thảo tham dự Phiên họp.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2015 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc quy định cụ thể hơn để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và thực tiễn đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập nêu ra, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Thường Quốc hội nói riêng, hoạt động của Quốc hội nói chung.
Tại Phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo đã cho ý kiến về một số quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cải tiến quy trình, cách thức tổ chức hình thức họp trực tuyến đối với phiên họp thường kỳ, các cuộc họp, hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trong trường hợp đặc biệt; hình thức biểu quyết bằng phiếu, giơ tay, đặc biệt thông qua hệ thống biểu quyết điện tử để tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới xây dựng Quốc hội điện tử và đáp ứng tình hình thực tiễn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện cho ý kiến bằng văn bản để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao những ý kiến đóng góp trên tinh thần trách nhiệm của thành viên Ban soạn thảo đối với Quy chế; đồng thời nêu rõ: Việc sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội lần này nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại Phiên họp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý, việc sửa đổi cần kế thừa những quy định trong Quy chế hiện hành đã và đang phát huy được hiệu quả, không có vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian qua; đề nghị, tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định mới bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định của một số luật như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… và các quy định khác của pháp luật có liên quan, cũng như thực tiễn đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường yêu cầu Ban soạn thảo lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các thành viên để hoàn thiện Quy chế trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét./.