QUỐC HỘI CHƯA THẢO LUẬN GÓI PHỤC HỒI KINH TẾ SAU ĐẠI DỊCH TẠI KỲ HỌP THỨ HAI

06/11/2021

Đó là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn trước thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng cho rằng, Quốc hội sẽ thảo luận gói phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid – 19 với quy mô 800.000 tỷ đồng tại Kỳ họp thứ Hai...

 

Đó là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn trước thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng cho rằng, Quốc hội sẽ thảo luận gói phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid – 19 với quy mô 800.000 tỷ đồng tại Kỳ họp thứ Hai. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cũng nêu rõ, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang chủ động, tích cực nghiên cứu đề xuất gói kích thích kinh tế theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII là xem xét, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng linh hoạt và quy mô phù hợp để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Văn phòng Quốc hội chưa nhận được văn bản đề xuất từ Chính phủ

- Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải thông tin về Chương trình khôi phục kinh tế, trong đó có đề xuất gói phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid - 19 với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng và cho rằng dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này tại Kỳ họp thứ Hai. Xin ông cho biết cụ thể về thông tin này?

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn

- Như chúng ta đã biết, kể từ cuối năm 2019, sau khi xuất hiện đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, năm 2021, sự lây lan và bùng phát mạnh của làn sóng Covid - 19 lần thứ tư do biến chủng Delta, với các đợt giãn cách liên tiếp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp bị đình trệ, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã kiên trì, linh hoạt thực hiện mục tiêu kép với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; đồng thời, quan tâm công tác an sinh xã hội, quyết liệt nhanh chóng ban hành nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt trong việc khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Thời gian gần đây, xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về chương trình khôi phục kinh tế, trong đó có đề xuất gói phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid - 19 với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng và cho rằng dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này tại Kỳ họp thứ Hai. Tuy nhiên, Văn phòng Quốc hội khẳng định, đây là thông tin không chính thống. Việc đề xuất nội dung vào chương trình nghị sự của Quốc hội cần bảo đảm quy trình Luật định. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm việc, thống nhất với Chính phủ về việc dự kiến những nội dung có hay không đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp. Vì vậy, liên quan đến quy mô gói phục hồi kinh tế sau đại dịch, tới thời điểm hiện nay, Văn phòng Quốc hội chưa nhận được văn bản đề xuất từ Chính phủ. Do đó, những thông tin của cá nhân, tổ chức đăng tải cho rằng tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội sẽ thảo luận về chương trình phục hồi kinh tế là không có căn cứ và không đáng tin cậy.

Tôi cũng thông tin thêm là, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang chủ động, tích cực nghiên cứu đề xuất gói kích thích kinh tế theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 4 là xem xét, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng linh hoạt và quy mô phù hợp để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ quan thông tin cần nêu cao trách nhiệm thẩm định thông tin

- Để tránh tình trạng thông tin không chính xác ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, trong đó có hoạt động của Quốc hội, theo ông cần có những giải pháp gì?

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan có liên quan trong quá trình chuẩn bị văn bản chỉ khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thì mới cung cấp thông tin nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, cần phát huy tính dân chủ, nhất là tổ chức việc lấy ý kiến của Nhân dân, tránh việc thông tin lệch lạc, phát ngôn không đúng thẩm quyền sẽ ảnh hưởng đến tình hình thị trường, ổn định xã hội và các quyết sách của các cơ quan có thẩm quyền.

Vì vậy, theo tôi, các cơ quan thông tin cần nêu cao trách nhiệm trong việc thẩm định thông tin, bảo đảm đưa tin chính xác, khách quan, nhất là những thông tin, tài liệu còn đang trong quá trình xây dựng, thảo luận thì vẫn cân nhắc để tránh ảnh hưởng, tác động đến tâm lý người dân và ổn định xã hội.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác