Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH năm 2024
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2023, những tháng đầu năm 2024, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan đã hoàn thành khối lượng rất lớn công việc liên quan đến công tác xây dựng pháp luật; nhiều luật, nghị quyết với chính sách lớn, quan trọng được thông qua. Song song với công tác lập pháp, đòi hỏi công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết cũng phải khẩn trương để sớm đưa các luật, nghị quyết đi vào cuộc sống, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phiên họp thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH năm 2024
Trong đó, đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, từ ngày 01/10/2023 đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Hội đồng Trung ương, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể ban hành Kế hoạch riêng hoặc lồng ghép công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong Kế hoạch công tác năm, Kế hoạch triển khai luật, pháp lệnh. Trong các Kế hoạch đều xác định việc phổ biến nội dung của luật, nghị quyết mới là một nhiệm vụ trọng tâm. Qua theo dõi cho thấy, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lồng ghép nhiệm vụ này trong Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm. Bên cạnh việc áp dụng hình thức truyền thống, điểm mới trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật là đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giúp Nhân dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, rộng rãi nội dung các văn bản.
Cho ý kiến về nội dung, các đại biểu nhận định, công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy vẫn còn tình trạng công tác tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được ban hành chưa được triển khai kịp thời, còn chờ hướng dẫn của cấp trên; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện còn hạn chế, chưa thường xuyên; một số nơi năng lực của đội ngũ làm công tác phổ biến ở cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, Chính phủ cần quan tâm, chú trọng thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua việc đa dạng hóa các phương thức, hình thức, đối tượng tuyên truyền, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng
Dẫn chứng từ thực tiễn quá trình tham gia giám sát tối cao về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một số địa phương thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được nêu ra là do chưa tìm hiểu kỹ và chưa được tuyên truyền, phổ biến rõ về các quy định của pháp luật.
Cho rằng việc thực hiện công tác tuyên truyền không phải quá khó Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, cần phải làm kỹ hơn để đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, cá nhân và các đối tượng thực thi pháp luật.
Nêu quan điểm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức cho biết, khảo sát thực tế ở địa phương của Hội đồng Dân tộc cho thấy, việc phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và bộc lộ một số bất cập. Cụ thể: số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa đáp ứng yêu cầu; thực tiễn đội ngũ báo cáo viên pháp luật chưa biết ngôn ngữ, tiếng nói dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ có kỹ năng, nghiệp vụ hiểu biết về văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Cùng với đó, một số nội dung quy phạm pháp luật chưa sát với yêu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc sử dụng công nghệ để tự tìm hiểu thông tin qua sách, báo và các trang điện tử, internet đối với đồng bào còn rất hạn chế.
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức
Từ phân tích trên, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức đề nghị, cần đánh giá rõ hơn nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua nhất là hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số. “Trong báo cáo của Chính phủ cần tách bạch rõ hai nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ đó đưa ra nhiệm vụ và giải pháp khắc phục phù hợp;…”, đại biểu Lưu Văn Đức đề xuất.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý, tiếp tục đổi mới và lựa chọn hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với các đối tượng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các luật, pháp lệnh, văn bản, dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp;… Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đáp ứng yêu cầu đặt ra đặc biệt đối với các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa,… Đầu tư tương xứng nguồn lực tương xứng cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật đảm bảo hiệu quả, thực chất tránh hình thức.
Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng trong thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vj Quốc hội năm 2024 vẫn còn một số hạn chế khác như: Công tác pháp điển hóa chưa có sự chuyển biến nhiều so với năm trước; công tác hợp nhất văn bản còn chậm; số lượng văn bản quy định chi tiết nợ mới phát sinh nhiều, văn bản nợ đọng kéo dài chưa được khắc phục triệt để;…/.