Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 1aa051a1-7983-90f0-dd35-d3571bff8496.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐỀ CAO TRÁCH NHIỆM, RÕ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

09/07/2024

Theo ý kiến của nhiều ĐBQH, việc xây dựng và ban hành một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là cần thiết nhằm đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên. Trong đó, cùng với việc xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện, quy định tại dự thảo cần đề cao trách nhiệm cũng như làm rõ vị trí, vai trò của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO VỀ DỰ ÁN LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 gồm 173 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương; điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; Hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; Thủ tục tố tụng thân thiện; Thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Trong đó, đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên, Dự thảo Luật bổ sung 04 nội dung quy định về: Hội đồng quốc gia về Tư pháp người chưa thành niên; Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về Tư pháp người chưa thành niên; Vai trò, nhiệm vụ của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; Bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên của Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.

Nâng cao vai trò, nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên

Cơ bản tán thành với quy định tai dự thảo, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc quy định về vai trò, nhiệm vụ của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên là phù hợp và cần thiết nhằm thể chế Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10/6/2012 và Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, hạn chế tối đa việc áp đặt một chiều các biện pháp mang tính cưỡng chế nghiêm khắc từ phía cơ quan có thẩm quyền đối với người chưa thành niên phù hợp với yêu cầu tại mục 16 các quy tắc Bắc Kinh.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện quy định, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn trong dự thảo luật về những chế độ, chính sách mà người làm công tác xã hội được hưởng khi tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ hướng dẫn chế độ, chính sách đối với người làm công tác xã hội khi tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

 Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Cùng quan điểm, đại  biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay chúng ta đã có một đội ngũ nhân viên công tác xã hội khá hùng hậu (cả nước có khoảng 235.000 công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên đang làm công tác xã hội). Đây là lực lượng cũng khá lớn, khi tham gia vào hoạt động tư pháp người chưa thành niên là lực lượng có vai trò rất quan trọng. Vấn đề đặt ra là đội ngũ này phải được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. “Trong dự thảo luật, có đặt ra hai điều kiện tại khoản 1Điều 31 đối với lực lượng làm công tác xã hội: Thứ nhất, có hiểu biết pháp luật về người chưa thành niên. Thứ hai, đã được đào tạo hoặc tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học, giáo dục đối với người chưa thành niên có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người chưa thành niên và có kỹ năng giao tiếp đối với người chưa thành niên…”, đại biểu nêu.

Tuy nhiên, để phát huy vai trò của đội ngũ nhân viên công tác xã hội khi tham gia hoạt động tư pháp chưa thành niên, đại biểu đề nghị quy định như tại dự thảo vẫn còn chung chung. Nếu có thể, nghiên cứu đội ngũ này không những được tập huấn, được bồi dưỡng mà được cấp chứng chỉ. Bởi vì, lực lượng đang làm công tác xã hội này trong cả nước rất đông nhưng không phải nhân viên công tác xã hội nào cũng tham gia được hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Do đó, cần quy định trong luật với đối tượng này cũng cần phải có chứng chỉ.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre 

Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre kiến nghị trong dự thảo Luật cần phải làm rõ thêm các tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận diện rõ hơn về nhân viên công tác xã hội; cơ quan/tổ chức nào sẽ cấp chứng chỉ để chứng minh họ đảm bảo những điều kiện, tiêu chí đề ra. “Đối tượng nhân viên công tác xã hội quy định rất nhiều các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người làm công tác xã hội như: phải am hiểu pháp luật, qua các khóa về tâm lý đối với người chưa thành niên,.. tuy nhiên,  để nhận diện được nhân viên công tác xã hội là ai thì chúng ta cũng chưa hình dung được. Họ là những người nào? Ai sẽ cấp những chứng chỉ để mà thực hiện các nhiệm vụ này, cũng như là cam kết về các tiêu chuẩn này cho đối tượng này…”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Do đó, các đại biểu cũng đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến người làm công tác xã hội để vừa bảo đảm phù hợp, vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ này trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên .

Bổ sung nhiệm vụ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em trong việc hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên

Liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên, dự thảo Luật cũng đã bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên của Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.

Nêu quan điểm, đại biểu Lê Quân - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đề nghị, trong giai đoạn này, có thể mạnh dạn sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em trong việc hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên. “Quỹ Bảo vệ trẻ em đang được vận hành rất tốt,  có mạng lưới phủ sóng rộng, có thể mở rộng trong các nội dung, phạm vi. Hiện nay chủ yếu quỹ mang tính chất an sinh, phúc lợi và mang tính chất giải quyết một số bài toán khác nhau. Việc chúng ta sử dụng, khai thác quỹ hiện nay và mở rộng chức năng, nhiệm vụ giúp giải quyết được mục tiêu trước mắt, đáp ứng được những yêu cầu đặt ra…”, đại biểu cho biết.

 Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang 

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhất trí,  về việc phải quy định bổ sung nhiệm vụ cho Quỹ bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật trẻ em để hỗ trợ kịp thời hoạt động tư pháp người chưa thành niên như quy định tại dự thảo.

Ở góc độ khác, đại biểu Dương Văn Thăng – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh tán thành không nên thành lập mới Quỹ hỗ trợ tư pháp người chưa thành niên; cần quy định việc hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên được thực hiện từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em. Theo đại biểu quy định như vậy là phù hợp, bởi vì, cần thiết có thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên, nhất là chi hỗ trợ trực tiếp cho người chưa thành niên thuộc các trường hợp quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật.

Cũng theo đại biểu, việc không thành lập Quỹ độc lập về tư pháp người chưa thành niên mà giao thêm nhiệm vụ cho các Quỹ hiện có như Quỹ bảo trợ trẻ em (được thành lập theo Điều 95 của Luật Trẻ em) là phù hợp với chủ trương hạn chế việc thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách, tránh phân tán nguồn lực và phát sinh bộ máy, nhân lực quản lý quỹ./.

Lê Anh