Bà Trần Thị Quốc Khánh – Đại biểu Quốc hội khóa XIV đoàn Thành phố Hà Nội.
Được biết bà có tới 4 khóa công tác ở Quốc hội, trong đó có những khóa Quốc hội là đại biểu chuyên trách. Vậy khối lượng công việc của đại biểu kiêm nhiệm có ít hơn so với đại biểu chuyên trách?
Trước hết tôi thấy mình đã may mắn được tham gia làm ở cơ quan Quốc hội 4 khóa. Nhìn lại mới thấy đúng là ít có ai được như thế. Qua quá trình công tác tôi cảm thấy có nhiều sự khác biệt giữa đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm.
Khóa đầu tiên tôi tham gia làm đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm là khi tôi đang là Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội. Thời điểm đó tôi phải chỉ đạo chuyên môn theo ngành rồi tham gia các cuộc họp và đi cơ sở... Ngoài ra, còn có các cuộc họp ở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động của ngành mà mình phải tham gia. Cũng có khi tôi xuống địa phương để kiểm tra công tác tư pháp ở các quận, huyện, phường, xã; trong khi mình vẫn phải làm tròn nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội, vẫn phải họp, nghe để có ý kiến phát biểu… Một ngày có đến 6 - 7 giấy mời phải đi họp, nhưng việc đi họp Quốc hội thì bao giờ cũng phải ưu tiên.
Với tôi, thời điểm đó, nhiệm vụ chính của mình là bảo đảm công việc chuyên môn của ngành nơi mình đang công tác, còn là đại biểu kiêm nhiệm Quốc hội thì được khoảng 30%.
Rất nhiều cuộc họp liên quan mà một đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm phải tham gia. Là đại biểu kiêm nhiệm, mỗi khi có giấy triệu tập họp Quốc hội thì hầu hết công việc khác phải gác lại để tập trung cho kỳ họp. Trong mỗi kỳ họp, mình có điều kiện đóng góp ý kiến, thực trạng tình hình của địa phương, ngành mình; phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri lên các cơ quan Quốc hội…Nhiều khi, sau mỗi buổi họp xong Quốc hội lại về cơ quan để giải quyết những công việc cơ quan, rất vất vả. Mà vào thời điểm ấy, thông thường cơ quan lại toàn cán bộ trẻ, anh em còn phải đi học nâng cao trình độ, nên cùng một lúc khối lượng công việc mình phải thực hiện rất nhiều. Nhưng với trách nhiệm là đại biểu kiêm nhiệm, mình đều tham gia hết lòng, hết sức trách nhiệm, xứng đáng là đại biểu Quốc hội.
Vậy bà thấy có gì khác biệt giữa đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm?
Sau khóa Quốc hội là đại biểu kiêm nhiệm, từ khóa XIII đến khóa XIV tôi làm đại biểu chuyên trách liên tục . Với tôi, điều này có sự khác biệt rất lớn.
Thứ nhất, vì không bị công việc hành chính thúc ép phải đi họp nơi này, nơi kia nên có điều kiện tĩnh tâm và nghiên cứu chuyên sâu hơn.
Nếu như trước đây mình làm công tác quản lý địa phương, hay công tác quản lý ở cơ quan cấp trung ương là cấp vụ thì phải họp liên tục, công việc vẫn hành chính như thế, rất vất vả. Nhưng đến khi về làm đại biểu chuyên trách thì mình có thời gian tập trung vào công việc của Ủy ban nơi mình đang là đại biểu.
Là đại biểu Quốc hội chuyên trách, theo quy định là 100% thời gian toàn tâm, toàn ý đối với công việc của Quốc hội. Công việc phân công theo quy định của cơ quan, theo lĩnh vực của ngành, mình phải chủ động sắp xếp để hoàn thành trách nhiệm của đại biểu chuyên trách.
Là đại biểu chuyên trách, không giữ chức vụ thì mình càng có điều kiện để toàn tâm, toàn ý và chủ động theo đuổi những ý tưởng công việc phục vụ cho hoạt động chuyên trách.
Tôi may mắn bởi đã có quá trình được đào tạo bài bản và được công tác lâu năm trong ngành tư pháp, trong giới Hội luật gia. Do đó tôi nắm được thực trạng, tình hình cũng như những vướng mắc, khó khăn trong xây dựng và thực thi pháp luật ở Trung ương cũng như địa phương. Vì thế, khi là đại biểu chuyên trách, được đào tạo bài bản về pháp luật và có thực tiễn trong kinh nghiệm công tác, tôi có cái nhìn thuận lợi hơn
Thứ hai là trong công tác, mình phải mạnh dạn nêu ý kiến, phát biểu. Như chúng ta đã thấy, nhiều đại biểu Quốc hội ở các địa phương có kinh nghiệm công tác, có thực tiễn khi ra Quốc hội đều phát biểu rất xác đáng. Qua đó Quốc hội cũng đã xem xét các ý kiến góp ý hợp lý chưa để tiếp thu...
Tôi xin đơn cử: Khi còn làm công tác về pháp luật, tôi thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ trước đến nay toàn là thực hiện nghị quyết của Đảng, nghị định của Chính phủ, nhưng nếu không có luật thì rất khó nên tôi đã đưa vấn đề này ra trước Quốc hội và chứng minh công tác này rất quan trọng. Nếu không có luật thì tình hình rất khó được cải thiệt, trong khi chủ trương của Đảng, Nhà nước đã nói rõ về công tác tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật thì phải có hành lang pháp lý. Khi tôi nêu ý kiến, Quốc hội ghi nhận đưa vào làm luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hay như Luật hòa giải ở cơ sở cũng vậy. Bằng thực tiễn từ địa phương, tôi thấy công tác hòa giải cơ sở là rất quan trọng, nó giữ được “tình làng, nghĩa xóm”, làm cho người dân quan tâm đến cộng đồng và những khúc mắc trong nhân dân có thể được giải quyết được bằng hòa giải, không cần phải đi đến kiện cáo ở các cơ quan tố tụng. Bản chất của nhà nước mình là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì bây giờ vấn đề hòa giải thành công cũng là từ nhân dân. Khi xây dựng Luật này, tôi cũng đề xuất và sau đó Quốc hội ghi nhận đưa vào thảo luận và nay đã thành Luật.
Hay như Luật Thủ đô cũng thế. Trước đây khi chưa có Luật thì mới chỉ là Pháp lệnh Thủ đô. Tôi đã tham mưu, đề nghị với Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo với thành phố, sau đó Thành phố trình lên Bộ Tư pháp để cho ý kiến. Sau đó khi đưa ra Quốc hội thảo luận, tôi đã mạnh dạn góp ý và đến kỳ họp Quốc hội khóa XIII đã thảo luận và thông qua Luật Thủ đô.
Thưa bà, trong các khóa Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được nâng lên. Tuy nhiên, qua hoạt động thực tế đại biểu chuyên trách đã đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của nhân dân chưa?
Từ khi là đại biểu Quốc hội đến nay, tôi thấy đại biểu Quốc hội chuyên trách còn mỏng quá. Cho nên tôi kiến nghị cần phải tăng đại biểu chuyên trách lên để đáp ứng được công việc của Quốc hội.
Thời gian qua, một lực lượng đông đảo là cán bộ cấp vụ ở các bộ, ngành đã được tăng cường về Quốc hội. Từ đó công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội đã đi vào nề nếp, bài bản hơn. Vấn đề ở đây là làm pháp luật phải có những người hiểu pháp luật thì mới làm được. Thế nên khi tăng đại biểu chuyên trách đã làm lòng cốt cho các Ủy ban.
Trước đây, lẽ ra tôi về làm chuyên trách ở Ủy ban Pháp luật nhưng theo yêu cầu công việc, tôi lại sang Ủy ban Khoa học, Công nghệ Môi trường, các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm có nói rằng bây giờ cần tăng chuyên trách để giúp ủy ban. Nhận nhiệm vụ, tôi rất lo nhưng cũng cảm thấy tự hào bởi các đồng chí cấp trên tin tưởng, đưa về đây thì mình phải làm hết sức mình.
Mỗi khi chúng tôi đóng góp ý kiến vấn đề về pháp lý trong các dự án luật thì đều được ghi nhận là có cơ sở. Nếu không có cơ sở thì sẽ chỉ đóng góp ý kiến theo vấn đề của các ngành quan tâm, chứ cơ sở pháp lý, những câu chữ văn phong như thế nào thì phải có lực lượng chuyên trách mới biết, cùng góp ý, cùng sửa.
Qua công tác, tôi nhận thấy những năm đầu từ Quốc hội khóa XI chưa có nhiều đại biểu chuyên trách nhưng đến Quốc hội khóa XII, XIII đại biểu chuyên trách đã được tăng lên và Quốc hội khóa XIV tăng lên rất mạnh. Khi ra Quốc hội thảo luận, lực lượng đại biểu chuyên trách phát biểu nhiều ý kiến xác đáng, thực sự làm nòng cốt cho các đoàn đại biểu Quốc hội cũng như cho các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội thực sự hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn bà!