Ông Vũ Hải Hà được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV.
Ngày 07/4/2021, trong phiên làm việc toàn thể tại Hội trường Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Danh sách bầu Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội khóa XIV. Theo đó, ông Vũ Hải Hà được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV, với 95.63% đại biểu có mặt tán thành.
Ông Vũ Hải Hà 52 tuổi, quê quán Nam Định, là thạc sĩ quản lý chính sách công; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV. Trước khi làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Vũ Hải Hà công tác tại Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội, sau đó là Phó Vụ trưởng, quyền Vụ trưởng và Vụ trưởng Vụ Đối ngoại. Từ tháng 7/2011, ông Vũ Hải Hà là Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại từ tháng 11/2013. Tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV, ông Vũ Hải Hà được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Sau khi được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Vũ Hải Hà đã chia sẻ nhanh với báo chí về một số nhiệm vụ trong thời gian tới.
Ông Vũ Hải Hà cho biết: "Bản thân tôi gắn bó nhiều năm với hoạt động đối ngoại của Quốc hội, từ vị trí chuyên viên Vụ Đối ngoại (Văn phòng Quốc hội), đến nay là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tôi vinh dự đã góp một phần công sức cùng với các thế hệ của Ủy ban Đối ngoại vào thành công chung của hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua”.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa được tổ chức thành công, trong Nghị quyết của Đảng đã khẳng định rõ thời gian tới tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế và Việt Nam sẽ là thành viên có trách nhiệm với quốc tế, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Vì vậy, ông Vũ Hải Hà khẳng định, với chủ trương, đường lối mà Đảng đã đề ra, hoạt động đối ngoại của Quốc hội thời gian tới sẽ tiếp tục bám sát 3 chức năng của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đối với hoạt động lập pháp, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ cùng với các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật để có hệ thống pháp luật toàn diện phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế. Về hoạt động giám sát, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tham gia giám sát các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là đối với các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế về thương mại đầu tư để thực hiện tốt mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới, với dấu mốc quan trọng là đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển.
Về công tác đối ngoại, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tiếp tục duy trì mối quan hệ toàn diện với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, các đối tác truyền thống và tham gia một cách chủ động, tích cực vào các diễn đàn nghị viện đa phương, góp phần vào thành công chung của hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới./.