Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về dự thảo Báo cáo Công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao?
Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Tôi rất chia sẻ với áp lực của ngành tòa án và viện kiểm sát trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ khóa XIV vừa rồi. Có thể nói, trong nhiệm kỳ 2016 -2021 thì báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã đánh giá rất rõ nét kết quả đạt được cũng như những hạn chế mà cần phải khắc phục.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đã nêu lên khá đầy đủ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của các ngành tư pháp. Tôi hoàn toàn đồng tình ủng hộ với những nội dung cơ bản tại báo cáo và ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả của ngành tư pháp. Về công tác tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV khẳng định, mặc dù số lượng công việc tăng với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng các tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao; Tổ chức xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp với việc thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc tranh tụng, góp phần nâng cao chất lượng xét xử. Bên cạnh đó, tòa án nhân dân các cấp đã quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, kết hợp chặt chẽ với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là các chức danh tư pháp liêm chính, chuyên nghiệp, xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh.
Về công tác của ngành kiểm sát nhân dân trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) cũng đã nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao; Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, …
Phóng viên: Bên cạnh những thành tựu đạt được thì theo quan điểm của đại biểu đâu là những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động của ngành tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua?
Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Đây là các ngành rất đặc thù và áp lực, một số vấn đề liên quan đến nguồn lực con người, nguồn lực về cơ sở vật chất, vấn đề về kinh phí được phân bổ, trong đó có vấn đề phân bổ khi trình ra Quốc hội để xem xét có những khó khăn nhất định. Tôi hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn này. Như đặc thù của ngành kiểm sát có cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao chẳng hạn, hoạt động chẳng khác gì các cơ quan điều tra của Bộ Công an, mà áp lực tôi cho rằng có khi còn lớn hơn. Bởi vì đối tượng điều tra ở đây là các tội phạm liên quan đến hoạt động tư pháp, mà đối tượng điều tra là các điều tra viên, các kiểm sát viên, các thẩm phán và các chấp hành viên am hiểu pháp luật, có tinh thông về nghiệp vụ, chuyên môn cho nên điều tra càng ngày càng khó khăn hơn cho nên hoàn toàn chia sẻ với các đồng chí vấn đề này.
Ngoài ra, trong ngành tư pháp nói chung, Tòa án và Viện kiểm sát, trong thời gian vừa cũng chịu áp lực rất lớn. Một là, những quy định mới của pháp luật về tăng thẩm quyền, về mở rộng phạm vi kiểm sát, phạm vi xét xử. Hai là, những quy định mới trong các luật tố tụng, ví dụ như quy định về giám sát chặt chẽ hoạt động điều tra ngay từ đầu, vấn đề tham gia giám sát, điều tra, hỏi cung, ghi âm, ghi hình như các đại biểu đã nêu, đòi hỏi ngày càng lớn của nhân dân và những quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ. Ba là, số lượng án của chúng ta ngày càng tăng, hành vi phạm tội, thủ đoạn phạm tội càng ngày càng xảo quyệt. Trong khi chúng ta phải thực hiện một chủ trương tôi cho rằng hết sức đúng đắn đó là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì một áp lực đối với chúng ta rõ ràng là hiện hữu.
Phóng viên: Vậy đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của ngành tư pháp trong thời gian tới?
Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Một là, tôi đề nghị việc thực hiện chủ trương trong tinh giản biên chế rồi tinh gọn bộ máy là cần thiết, là đúng đắn. Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá, xem xét toàn diện, không phải chỗ nào chúng ta cũng phải tinh gọn, chỗ nào chúng ta cũng phải giảm trong khi áp lực. Bây giờ đối với các cơ quan tư pháp trong điều kiện như áp lực theo quy định của pháp luật như vậy, yêu cầu đòi hỏi của nhân dân như vậy và số lượng án tăng lên như vậy thì tôi nghĩ là cần phải củng cố đầy đủ thứ nhất về con người là quan trọng nhất. Phải đủ được số lượng kiểm sát viên, thẩm phán, các chức danh tư pháp để đảm bảo cho hoạt động nó chặt chẽ hơn, rồi cơ sở vật chất, điều kiện làm việc trong những quy định mới của pháp luật cũng cần phải đáp ứng. Khi mà chúng ta triển khai thực hiện các quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự vẫn còn rất chậm, cần phải khắc phục việc này.
Hai là, cần quan tâm trong thời gian tới là vấn đề lựa chọn thẩm phán, đặc biệt trong đó lưu ý lựa chọn hội thẩm nhân dân. Quy định pháp luật của ta là hội thẩm nhân dân và thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử thì xét xử công bằng, tuân theo pháp luật. Biểu quyết của thẩm phán cũng chỉ bằng biểu quyết của Hội đồng nhân dân thôi. Tôi đề nghị trong thời gian tới Tòa án nhân dân các cấp phải phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân để lựa chọn cho được đội ngũ hội thẩm nhân dân có am hiểu pháp luật, đồng thời phải có bản lĩnh, có chính kiến để khi ban hành một bản án đảm bảo chính xác, công bằng và minh bạch.
Thứ ba, đề nghị các đồng chí đứng đầu của ngành tư pháp hết sức quan tâm, tiếp thu và tìm rõ giải pháp để khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong tổng kết nhiệm kỳ. Tăng cường thêm việc hướng dẫn thi hành pháp luật.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!