Đại biểu Dương Minh Tuấn bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý những nội dung, ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội từ Kỳ họp thứ 8 đến nay, nhất trí tán thành về sự cần thiết ban hành, cũng như tên gọi của luật; đồng thời góp ý vào một số nội dung để hoàn chỉnh dự án luật.
Đại biểu Dương Minh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Về Điều 6 quy định ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đại biểu Dương Minh Tuấn bày tỏ thống nhất việc thiết kế Điều 6 về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này và cho rằng đây là một bước tiến bộ, thể hiện tinh thần của Hiến pháp là mọi người dân có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Vì vậy đề nghị giữ nguyên phụ lục 1, 2, 3 như luật hiện hành, chỉ thay đổi nội hàm bên trong.
Về cơ chế giải quyết tranh chấp trong hợp đồng đầu tư kinh doanh, đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết thời gian qua không chỉ xảy ra tranh chấp giữa các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế với nhau, một số vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Những tranh chấp này chủ yếu liên quan đến hoạt động cấp phép và thực hiện các quy định về ưu đãi đầu tư do các cơ quan hành chính thực hiện. Vụ việc tranh chấp thường là dự án đầu tư nước ngoài, thậm chí một số dự án, các chủ đầu tư ở nhiều quốc gia khác nhau, chính vì vậy quá trình tố tụng giải quyết các tranh chấp này rất phức tạp và kéo dài. Điều 14 dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) có quy định về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định này còn rất chung chung, để hạn chế và phòng ngừa các tranh chấp đầu tư kinh doanh, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nước ngoài thì luật nên quy định hoặc Chính phủ có hướng dẫn cơ chế và phương thức giải quyết tranh chấp một cách rõ ràng và cụ thể hơn. Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật có thêm điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể về quy trình, trình tự giải quyết tranh chấp đầu tư, cơ chế phối kết hợp trong phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư, cơ chế thương lượng trước khi tranh chấp được đưa ra trọng tài quốc tế hoặc Tòa án và các vấn đề khác có liên quan.
Về hậu quả pháp lý của việc bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, đại biểu Dương Minh Tuấn đặt vấn đề các dự án đầu tư bị chấm dứt đầu tư có nhiều nguyên nhân như làm ăn thua lỗ, chủ bỏ trốn, bị Tòa án chuyển giao tài sản cho chủ nợ, bị lâm vào tình trạng phá sản… nhưng các tài sản của các nhà đầu tư trên đất đi thuê bị phát mãi, xử lý nợ thì có một vướng mắc là các hợp đồng thuê đất.
Đại biểu cho biết, hiện nay ở một vài khu công nghiệp có phát sinh trường hợp các hợp đồng thuê đất của các công ty quản lý kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp không thể đương nhiên chấm dứt vì vẫn còn hợp đồng thuê, dẫn đến việc nhà đầu tư mới được giao tài sản trên đất hoặc mua trúng đấu giá tài sản không thể ký được hợp đồng thuê đất mới. Điều này khiến cho nhà đầu tư mới không thể tiến hành đầu tư theo kế hoạch gây lãng phí thời gian, tiền bạc và mất các cơ hội đầu tư kinh doanh. Đại biểu cho rằng nếu không có quy định về chấm dứt các hoạt động thuê đất khi bị thu hồi chứng nhận đầu tư mà các công ty cho thuê đất đã ký hợp đồng cho thuê đất với các nhà đầu tư mới có thể rủi ro, bị các nhà đầu tư cũ đã bỏ trốn có thể kiện ra các cơ quan tài phán gây khó khăn, phức tạp, rủi ro cho nhà đầu tư mới.
Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật có điều khoản quy định việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư là cơ sở để nhà đầu tư mới ký hợp đồng thuê đất với các khu, cụm công nghiệp có dự án đầu tư. Việc giải quyết hậu quả nợ nần giữa bên thuê thì các bên tự thương lượng hoặc thực hiện khởi kiện tranh chấp theo quy định./.