Trong chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngày 15/8/2019, trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng nội dung liên quan đến việc sửa Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ ngày 18/5/2017. Bộ trưởng có trả lời sẽ sửa đổi Nghị định 20 trong tháng 11, chậm nhất là tháng 12 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này (10/12/2019) vẫn chưa thấy dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung điều này được đăng tải trên website của Chính phủ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, quy định tại khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã gây khó khăn, vướng mắc rất nhiều cho các doanh nghiệp kể từ khi ban hành. Mục tiêu của Nghị định không đạt được khi quy định không tác động tới doanh nghiệp có vốn nước ngoài nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều doanh nghiệp trong nước.
Tại Công văn số 6785/VPCP-KTTH ngày 31/7/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ký văn bản nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc chỉ đạo Bộ Tài chính “khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20 hoặc đình chỉ thi hành tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/8/2019” với tinh thần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp và thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 trong đó có nội dung: “Mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng: xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cập nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân...”.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể việc sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 hiện nay như thế nào? Có trình Chính phủ ban hành được trong tháng 12 như Bộ trưởng đã trả lời được hay không? Trường hợp Chính phủ chưa ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 thì Bộ trưởng đã thực hiện những biện pháp gì để thực thi ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Công văn số 6785/VPCP-KTTH như đã nêu ở trên để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Hiện nay, vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước là các tập đoàn, tổng công ty có quan hệ mẹ, con, liên kết không chỉ nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước mà còn là trọng tâm ưu tiên quản lý của cơ quan thuế, Bộ Tài chính cũng như các diễn đàn quản lý thuế quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm ngăn chặn doanh nghiệp chuyển thu nhập về nơi được ưu đãi để trốn thuế nhưng vẫn tăng cường sử dụng các kênh truyền thông để vận động sự ủng hộ tạo dư luận phản ứng trái chuyền với sự quyết liệt trong công tác chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận của cơ quan quản lý.
Đến nay, qua thực tiễn cho thất các hình thức chuyển giá phổ biến trên thế giới đều được xuất hiện tại Việt Nam, bao gồm việc chuyển giá thông qua các khoản vay vốn, đặc biệt là các khoản vay giáp lưng để trốn thuế. Các khoản vay nợ quá mức này không chỉ làm xói mòn lợi nhuận gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn là nguyên nhân trực tiếp của các khoản nợ xấu, nợ quá hạn gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và nền tài chính quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, từ thực trạng trên, để tăng cường công tác quản lý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 quy định quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây được coi là bước tiến mới về hành lang pháp lý chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận của Việt Nam, thế hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá, tăng cường công tác đấu tranh phòng chống các hành vi chuyển lợi nhuận gây xói mòn nguồn thu trên cơ sở tiếp thu, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn phát sinh tại Việt Nam.
Qua hai năm thực hiện Nghị định 20, theo số liệu thống kê của cơ quan thuế năm 2017 có 11.196 đơn vị kê khai quan hệ liên kết, năm 2018 có 11.970 đơn vị, trong đó tỷ trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64%, các doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 36%. Trong số các doanh nghiệp kê khai quan hệ liên kết, có 6.604 đơn vị phát sinh giao dịch liên kết trong năm 2017 và 7.785 đơn vị có giao dịch liên kết năm 2018, với tốc độ tăng trưởng 18%, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 15%. Về kết quả thanh tra, kiểm tra, đến nay, số xử lý qua thanh kiểm tra đã từng bước đóng góp vào số thu Ngân sách Nhà nước; theo đó trong đó giai đoạn 2017 đến nay cơ quan thuế đã tiến hành thanh kiểm tra khoảng 100.000 doanh nghiệp mỗi năm, tổng số xử lý qua thanh tra, kiểm tra bình quân năm là 60.355 tỷ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt 19.023 tỷ đồng; giảm khấu trừ 2.071 tỷ đồng, giảm lỗ 39.261 tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu nói trên, tuy nhiên, theo ý kiến phản ánh của một số doanh nghiệp, việc thực hiện Nghị định 20 cũng có khó khăn vướng mắc đối với quy định khống chế chi phí lãi vay như Đại biểu Quốc hội đã nêu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Trên cơ sở sơ kết hai năm thực hiện Nghị định, Bộ Tài chính có công văn số 12761/BTC-TCT ngày 24/10/2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả đã đạt được, phân tích các khó khăn vướng mắc và kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 với quan điểm là phải đảm bảo hài hòa mục đích chống chuyển giá trốn thuế nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngày 29/11/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi Nghị định 20 gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Văn phòng nước tại doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghệ một số doanh nghiệp. Tại cuộc họp, Lãnh đạo Chính phủ nhất việc Chính phủ ban hành Nghị định 20 là có căn cứ pháp lý, đồng thời, lãnh đạp Chính phủ thống nhất giao Bộ Tài chính trình Chính phủ chủ trương sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.
Trên cơ sở Tờ trình số 175/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 09/12/2019 (Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019) theo đó Chính phủ thống nhất sửa đổi khoản 3 Điều 8 theo thủ tục rút gọn.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính hiện đã dự thảo Nghị định và lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, các Cục Thuế địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định gửi lấy ý kiện thẩm định của Bộ Tư pháp. Hội đồng thẩm định do Bộ Tư pháp chủ trì đã tiên hành thẩm định vào ngày 06/02/2020 (tuy nhiên đến nay Bộ Tư pháp chưa ban hành văn bản thẩm định). Do quá trình xây dựng Nghị định phải qua nhiều bước như lây ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp nên cho đến nay Nghị định chưa được Chính phủ ban hành.
Tuy nhiên, theo điều khoản thi hành của dự thảo Nghị định, Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày ký và được áp dụng đối với kỳ tính thuế năm 2019 (ngày 31/03/2020). Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ để trình Chính phủ ban hành trong tháng 02/2020 (trước ngày 31/03/2020) theo đó Nghị định được áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Về lâu dài, trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng, chủ trương của Đảng trong việc “Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá”, “Hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế ... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá”, đồng thời căn cứ vào Luật quản lý thuế sửa đổi số 38, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 20 để thực hiện thống nhất./.