Đại biểu Phan Thái Bình, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 này gồm 10 chương với 219 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.
Phát biểu tham gia thảo luận về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, bày tỏ sự đồng tình cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp ở thời điểm này là cần thiết và bày tỏ sự ủng hộ việc đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật lần này. Bởi theo đại biểu, qua nhiều lần sửa đổi, trong Luật Doanh nghiệp đều đã có những điều khoản quy định về hộ kinh doanh. Như vậy, bản chất có nghĩa rằng hộ kinh doanh lâu nay đã được luật quy định.. Dự thảo lần này đã bổ sung theo hướng nâng lên, cụ thể hóa thành nhiều nội dung hơn và quy định thành chương riêng. Theo đó, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung đối tượng hộ kinh doanh vào quy định của Điều 3 dự thảo Luật Doanh nghiệp và viết lại: “Trong trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức, quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì áp dụng quy định của luật đó.”
Đối với nghĩa vụ doanh nghiệp được quy định tại Điều 8 của dự thảo luật, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ doanh nghiệp như sau: “Trường hợp doanh nghiệp có dự án sử dụng đất tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì phải thành lập tư cách pháp nhân và thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế tại địa phương đó”. Việc bổ sung quy định này nhằm đảm bảo nguồn lực cho địa phương nơi có dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh giải quyết các vấn đề đặt ra về môi trường, đầu tư hạ tầng, an ninh trật tự... Đồng thời quy định này cũng đảm bảo đồng bộ với luật quản lý thuế mà Quốc hội vừa thông qua.
Vấn đề thứ 3 đại biểu Phan Thái Bình cho ý kiến liên quan đến hồ sơ, thủ tục đăng ký doanh nghiệp từ điều 19 đến điều 26 của dự thảo luật. Bởi theo quy định trước đây, người gửi đăng ký kinh doanh phải tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng ký kinh doanh. Và cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lý của hồ sơ. Điều này làm nảy sinh tình trạng doanh nghiệp dùng địa chỉ kinh doanh của người khác làm trụ sở doanh nghiệp. Dùng giấy chứng minh nhân dân giả, chứng minh nhân dân của người khác đứng tên doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp chủ yếu để mua bán hóa đơn trục lợi, gây khó khăn cho quản lý nhà nước và đặc biệt là công tác quản lý thuế. Do vậy đại biểu Phan Thái Bình đề nghị dự thảo lần này cần bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cần phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh trụ sở doanh nghiệp thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc có hợp đồng thuê mướn địa điểm làm trụ sở hợp pháp. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các ngành chức năng trong việc kiểm chứng thông tin đăng ký doanh nghiệp và chế tài xử lý đối với các đối tượng liên quan khi xảy ra sai phạm.
Vấn đề thứ 4 được đại biểu đề cập liên quan đến trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo dự thảo Luật, người thành lập doanh nghiệp hoặc người ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức qua dịch vụ bưu chính. Đại biểu Phan Thái Bình cho biết, hiện nay do chưa có quy định cụ thể và chi tiết về trình tự thủ tục tiếp nhận và thu phí đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, nên phòng đăng ký kinh doanh ở nhiều địa phương còn rất lúng túng và áp dụng những cách khác nhau. Do vậy đại biểu đề nghị cần phải có quy định cụ thể về quy định trình tự thủ tục tiếp nhận và thu phí đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định rõ mối quan hệ giữa các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện chức năng đăng ký kinh doanh. Nhất là trao đổi thông tin với doanh nghiệp về vấn đề thuế, nợ thuế, tình hình tài chính, tiến độ góp vốn, thay đổi địa chỉ kinh doanh, trụ sở kinh doanh những vi phạm pháp luật (nếu có) của doanh nghiệp….. để tạo thuận lợi cho hành lang pháp lý, tránh vấn đề chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với quản lý doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh. Theo đại biểu, vấn đề này có thể quy định vào luật hoặc có thể giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết, trong đó có cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp.
Ngoài ra, còn một số nội dung khác mà đại biểu Phan Thái Bình – Quảng Nam góp ý đối với dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó có những quy định về tiêu chuẩn và điều kiện đối với thành viên hội đồng thành viên; đề nghị bổ sung thêm quy định chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột suất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo việc quản lý chặt chẽ nguồn vốn, vốn góp của nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước; bổ sung thêm nội dung: “Doanh nghiệp có quyền thỏa thuận với chủ nợ và các chủ thể có liên quan về nghĩa vụ trả nợ, cách thức trả nợ, thời hạn trả nợ” để phù hợp và đáp ứng với nhu cầu thực tiễn. Nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện linh động trong quá trình tổ chức, triển khai thủ tục giải thể…. để doanh nghiệp chủ động trong việc xử lý món nợ của doanh nghiệp./.