Trong văn bản chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nêu rõ: Bộ là cơ quan cấp phép, quản lý, chấn chỉnh hoạt động đối với các cơ quan báo chí, báo điện tử. Thế nhưng, Bộ trưởng vẫn nhận định các cơ quan báo chí thực hiện rất tốt chức năng của mình nhưng sai phạm cũng rất nhiều. Vậy đâu là kết quả trọng tâm, trách nhiệm của Bộ trong việc cấp phép tràn lan và xử lý sai phạm trong cấp phép đến đâu?
Về chủ trương xã hội hóa chương trình phát thanh - truyền hình, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, đây là một chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, với các địa phương có khó khăn thì Bộ có những chính sách hỗ trợ như thế nào cho các Đài ở địa phương nâng cao chất lượng nhằm phục vụ tốt nhu cầu đa dạng của người dân?
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, có đủ điều kiện theo quy định của Luật Báo chí, có nhu cầu thành lập cơ quan báo chí, hồ sơ đề nghị cấp phép đầy đủ, đúng theo quy định thì Bộ TTTT phải xem xét cấp phép hoạt động báo chí theo quy định.
Việc cấp giấy phép hoạt động báo chí được Bộ thực hiện theo đúng quy định Luật Báo chí năm 2016, định hướng quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được cấp có thẩm quyền cho ý kiến thông qua. Mặt khác, giấy phép hoạt động báo chí chỉ được cấp sau khi Bộ xem xét, thực hiện trao đổi và có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Ban Tuyên giáo Trung ương để bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo thống nhất của Đảng.
Trong bối cảnh kỹ thuật công nghệ phát triển vượt bậc hiện nay, hoạt động thông tin báo chí phát triển mạnh mẽ. Thông tin báo chí ngày càng đa dạng, truyền tải nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Do cạnh tranh tốc độ thông tin, một số cơ quan báo chí có thể biên tập không kỹ, thiếu kiểm chứng thông tin dẫn đến sai phạm, bị xử lý. Tuy nhiên, xét về tổng thể, về cơ bản, các cơ quan báo chí thực hiện tốt chức năng của mình, gồm: Thông tin, giáo dục tư tưởng, nâng cao dân trí, giải trí, quản lý xã hội, định hướng dư luận, phản biện, dự báo, giám sát các hoạt động của đời sống xã hội. Song song với việc theo dõi, xử lý sai phạm của các cơ quan báo chí, Bộ TTTT thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng, nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động thông tin báo chí bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng và các quy định của pháp luật.
Về chủ trương xã hội hóa của các đài phát thanh, truyền hình, Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết, đây là chủ trương nhằm tận dụng nguồn lực xã hội, giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng chương trình, làm phong phú về nội dung thông tin là rất đúng đắn. Tuy nhiên, với các địa phương có khó khăn thì Bộ TTTT cũng đã đề xuất những chính sách, có giải pháp hỗ trợ các đài phát thanh, truyền hình địa phương để nâng cao chất lượng nội dung nhằm phục vụ tốt nhu cầu đa dạng của người dân. Cụ thể là Bộ đã chủ trì tham mưu, trình Quốc hội phê chuẩn Luật Báo chí ngày 05/4/2016. Theo đó, tại Khoản 3 Điều 5 Luật Báo chí quy định: Đặt hàng báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thính, khiếm thị, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo và các nhiệm vụ trọng yếu phù hợp với từng giai đoạn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong định hướng quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Bộ TTTT chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, đã đưa ra chính sách: Việc xây dựng chính sách phát triển các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ: Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.
Bộ TTTT đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức trong nước triển khai các lớp đào tạo kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên; các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý cho lãnh đạo báo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho những người làm báo. Đồng thời, Bộ thường xuyên chỉ đạo định hướng nội dung thông tin nhằm nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình của địa phương. Bên cạnh đó, Bộ TTTT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố với trách nhiệm là cơ quan chủ quản, đề xuất tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho các kênh truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương./.