Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về công tác pháp chế của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại Bộ? Công tác thanh tra của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra của Bộ? Hiện nay, Bộ đã bố trí đủ lực lượng làm công tác pháp chế và thanh tra của Bộ hay chưa?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh
Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Phước Lộc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về công tác pháp chế, hiện nay, đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại Bộ Giao thông vận tải gồm Vụ Pháp chế của Bộ Giao thông vận tải và các tổ chức pháp chế tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ.
Theo quy định của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 12/2012/NĐ-CP thì hiện nay, Vụ Pháp chế là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải với các nhiệm vụ cụ thể như: xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; tổ chức và triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của Bộ; đầu mối giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường của Nhà nước trong ngành GTVT, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi của Bộ; hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho tổ chức pháp chế ở các Tổng cục, Cục, cơ quan trực thuộc Bộ và doanh nghiệp nhà nước mà Bộ là đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.
Tiền thân ra đời của các tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải là từ năm 1978 trên cơ sở từ Ty Tố tụng và pháp chế. Các tổ chức pháp chế của Bộ đã ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội về giao thông vận tải. Xác định “Đây chính là công cụ sắc bén, hữu hiệu, là cơ quan tham mưu về chính sách, pháp luật, là tai mắt giúp lãnh đạo theo dõi việc thực hiện chính sách, pháp luật” như Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã từng nói. Do đó công tác pháp chế qua các thời kỳ luôn được các Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt từ những năm 2011 đến nay và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể như:
Bộ GTVT luôn hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng vãn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ và Chương trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ Giao thông vận tải. Trong 6 năm (2011-2017), Bộ GTVT đã chủ trì xây dựng trình Quốc hội thông qua 01 Bộ luật, 03 Luật (Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014, Luật Đường sắt Việt Nam năm 2017), trình Chính phủ ban hành 73 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 24 Quyết định. Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký ban hành theo thẩm quyền 525 Thông tư, Thông tư liên tịch (tăng 30 Nghị định, 02 Quyết định, và 389 Thông tư so vói giai đoạn 2006-2011). Quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT luôn chú trọng đến chất lượng của văn bản, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT luôn giữ vững vị trí top đầu về chỉ số cải cách hành chính Par - Index và chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh (MEI) trong khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Đặc biệt, đối với chỉ số MEI do các doanh nghiệp đánh giá, năm 2015, Bộ Giao thông vận tải đứng thứ 01 về rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật; đứng thứ 02 về tổ chức thi hành pháp luật; đứng thứ 03 về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và đứng thứ 05 về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật trong khối các Bộ.
Để đạt được kết quả nêu trên, đòi hỏi một sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tổ chức pháp chế và bản thân từng cán bộ làm công tác pháp chế để vượt qua các khó khăn và áp lực công việc, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác pháp chế, Bộ GTVT luôn thực hiện một cách kịp thời, sát sao thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ thị để tăng cường công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn các ĐBQH
Về năng lực đội ngũ làm công tác pháp chế: Tất cả các công chức pháp chế tại Bộ Giao thông vận tải đều đáp ứng quy định về tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế quy định tại Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP với biên chế gồm 14 cán bộ, công chức trình độ đại học trở lên (05 thạc sỹ luật, 05 công chức có 02 bằng đại học). Tuy nhiên, với việc xây dựng các cơ chế, chính sách có tác động sâu sắc đến các đối tượng trong xã hội thì đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ là tương đối mỏng. Do đó, để đảm bảo chất lượng công tác pháp chế, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung hơn nữa các nguồn lực cho công tác pháp chế, tăng cường vai trò của Vụ Pháp chế và các tổ chức pháp chế ở các Tổng cục, Cục, tập trung chỉ đạo sát sao và động viên, khuyến khích các cán bộ làm công tác pháp chế kịp thời nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế của Bộ, đảm bảo chất lượng và tiến độ các nhiệm vụ do Chính phủ và Quốc hội giao.
Đối với công tác thanh tra
Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 57/2013/NĐ- CP ngày 31/5/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành GTVT, có thể hiểu, hệ thống thanh tra giao thông vận tải gồm: Thanh tra GTVT ở Trung ương và Thanh tra GTVT ở địa phương.
Thanh tra GTVT ở Trung ương gồm: Thanh tra Bộ GTVT và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Bộ GTVT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam; Chi cục Đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải và Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam)
Thanh tra Bộ GTVT là cơ quan của Bộ, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của bộ; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Đối với Thanh tra Sở GTVT, Thanh tra Bộ có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành.
Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ GTVT tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực; Thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và những vụ việc khác khi được cấp có thẩm quyền giao.
Thanh tra GTVT ở địa phương: Thanh tra Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thanh tra Sở GTVT là cơ quan của Sở, giúp Giám đốc Sở tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Sở GTVT và thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Sở GTVT; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật;
Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc Sở; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra và hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh, về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ GTVT.
Về lực lượng thanh tra ngành GTVT:
Theo số liệu báo cáo gần đây nhất, tổng số lực lượng thanh tra ngành GTVT trên toàn quốc là 3.035 người, trong đó Thanh tra Bộ GTVT được giao 39 biên chế. Tại thời điểm báo cáo, Thanh tra Bộ có 36/39 cán bộ công chức, trong đó 02 đồng chí đang nghỉ ốm điều trị dài ngày, thực tế đang làm việc là 34 công chức/39 biên chế được giao cho Thanh tra Bộ.
Về năng lực đội ngũ làm công tác thanh tra GTVT: Thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 68/2013/TT-BGTVT ngày 31/12/2013 của Bộ GTVT quý định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra GTVT.
Về kết quả thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ GTVT:
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Thanh tra Bộ GTVT đã chủ trì triển khai thực hiện tổng số 154 cuộc thanh tra, kiểm tra (hành chính và chuyên ngành). Hoạt động thanh tra chủ yếu tập trung đối với những lĩnh vực được xã hội quan tâm hoặc dễ tiềm ẩn nguy cơ sai phạm như: Công tác quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng; việc thực hiện Đề án đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp; thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và việc thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, công tác kiểm soát tải trọng, xếp hàng hóa trên phương tiện; hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; công tác đăng kiểm; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, phương tiện đường thủy nội địa, tàu biển; công tác đảm bảo TTATGT tại các dự án thi công trên đường bộ đang khai thác, công tác tổ chức bán vé tàu bay, tàu hoả; sản xuất, lắp ráp, cung ứng thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô...
Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ GTVT đã yêu cầu thu hồi về NSNN với tổng số tiền trên 44 tỷ đồng; yêu cầu xuất toán, giảm trừ và các xử lý kinh tế khác với tổng số tiền trên 4394 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm và đề nghị xử lý kỷ luật đối với nhiều đơn vị và cá nhân có sai phạm.
Về công tác tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng của Thanh tra Bộ GTVT:
Giai đoạn 2015 - 10/2017, Thanh tra Bộ đã tiếp tổng số 362 lượt/483 người, trong đó có 01 vụ khiếu kiện đông người (45 người).
Tiếp nhận 3.258 đơn, trong đó: 349 đơn khiếu nại, 709 đơn tố cáo. 2.197 đơn kiến nghị, phản ánh, đơn nặc danh, mạo danh. Thanh tra Bộ đã tham mưu xử lý dứt điểm 29 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT (đạt 100%).
Để tăng cường nhân sự bảo đảm thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, khắc phục số lượng biên chế còn thiếu, Thanh tra Bộ đã chủ động tổ chức xây dựng hệ thống hơn 100 đồng chí cộng tác viên thanh tra ngành GTVT là các cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn sâu tại các đơn vị như Viện KHCN GTVT, Tổng công ty Tư vấn thiết GTVT; các Ban QLDA ... tham gia các đoàn thanh tra./.