Hiện nay, cả nước có hơn 300 bệnh viện ngoài công lập. Trong những năm qua, sự phát triển của các bệnh viện ngoài công lập đã góp phần phục vụ, chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn; đồng thời giảm tải số lượng người bệnh xếp hàng đông đúc chờ lượt khám và điều trị ở các bệnh viện công lập cũng như các bệnh viện tuyến Trung ương.
Khi dịch vụ y tế của các bệnh viện ngoài công lập phát triển đòi hỏi bệnh nhân muốn khám chữa bệnh đều phải trả phí tương xứng với những gì mà bệnh viện đầu tư, chăm sóc. Tuy nhiên, việc kiểm soát mức thu phí dịch vụ y tế của các bệnh viện này vẫn còn là vấn đề gây tranh luận và nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, cán bộ y tế đối với Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Nên yêu cầu bệnh viện niêm yết công khai giá từng gói khám chữa bệnh
Để kiểm soát mức thu phí dịch vụ y tế của các bệnh viện ngoài công lập, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần đưa ra khung giá cụ thể cho từng gói khám chữa bệnh. Các bệnh viện ngoài công lập sẽ dựa vào khung giá đó và chỉ đưa ra mức thu vượt khung giá đã được Bộ Y tế quy định bao nhiêu lần, chứ không nên vượt quá nhiều.
Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam, cho rằng: Thực tế hiện nay, các bệnh viện ngoài công lập đều tự đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế và trả lương cho các bác sĩ. Vì thế, họ được quyền thu phí dịch vụ chăm sóc y tế để duy trì hoạt động và phát triển.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam.
Việc thu phí dịch vụ y tế ở các bệnh viện ngoài công lập đều có sự thỏa thuận giữa bệnh viện và bệnh nhân. Nếu bệnh nhân thấy gói dịch vụ chăm sóc nào phù hợp thì bệnh viện tiến hành khám chữa bệnh, chăm sóc cho bệnh nhân theo gói giá đã được niêm yết. Điều này là phù hợp theo “cung-cầu” và thỏa thuận giữa hai bên.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Bộ Y tế không nên kiểm soát thu phí dịch vụ y tế ở các bệnh viện ngoài công lập bằng cách đưa ra khung giá. Việc kiểm soát nên thực hiện bằng cách xem các bệnh viện có niêm yết công khai giá thu phí dịch vụ y tế hay không. Nếu bệnh viện nào không thực hiện việc làm này mà lại thu phí cao, chưa được sự đồng thuận của người dân với gói dịch vụ khám chữa bệnh đó thì coi như là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý.
Phải có sự điều chỉnh về Luật Giá
Trước đề xuất quản lý thu phí dịch vụ y tế của các bệnh viện ngoài công lập, ông Nguyễn Văn Tiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm: Ở nhiều nước trên thế giới, cơ quan quản lý không quy định thu phí dịch vụ y tế ở bệnh viện ngoài công lập nên nếu áp dụng khung giá với những nơi này thì cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và nhận được sự đồng thuận từ các bệnh viện.
Việc thu phí dịch vụ y tế ở các bệnh viện ngoài công lập được thực hiện theo quy định của Luật Giá. Đó là quyền và trách nhiệm đảm bảo việc thu phí của các bệnh viện ngoài công lập, cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp, điều chỉnh vào.
Ông Nguyễn Văn Tiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước phải có khung giá để điều chỉnh, kiểm soát việc thu phí dịch vụ khám chữa bệnh ở những bệnh viện tư nhân, ngoài công lập. Nếu chúng ta muốn làm được việc này thì phải có sự điều chỉnh về Luật Giá, chứ không phải là sửa đổi, bổ sung ở Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo ông Nguyễn Văn Tiên, nếu sửa đổi Luật Giá thì có thể quy định: Việc thu phí dịch vụ y tế do cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, bệnh viện ngoài công lập quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo sức khỏe con người, cơ quan quản lý Nhà nước cũng có thể đưa ra một khung trần giá dịch vụ y tế cho những nơi này. Để kiểm soát giá dịch vụ y tế, tất cả các bệnh viện ngoài công lập phải có trách nhiệm niêm yết giá, thông báo cho bệnh nhân và gia đình họ trước khi sử dụng gói dịch vụ y tế nào.
Có thể kiểm soát thanh toán dịch vụ y tế theo nhóm chẩn đoán trường hợp bệnh
Đóng góp vào việc kiểm soát thu phí dịch vụ y tế ở các bệnh viện ngoài công lập, ông Dương Huy Liệu - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam bày tỏ ý kiến: Ở nhiều nước trên thế giới có đông đảo người dân tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội thì việc thanh toán dịch vụ y tế theo nhóm chẩn đoán trường hợp bệnh (DRG) góp phần kiểm soát giá dịch vụ, chi tiêu của người dân rất hiệu quả. Đây cũng là giải pháp góp phần phân bổ nguồn lực để chi trả cho từng bệnh trong 1 năm, không làm tăng giá dịch vụ y tế một cách bất thường. Đồng thời đảm bảo nguồn thu bảo hiểm y tế cũng phù hợp với giá dịch vụ mà bệnh viện thu thông qua DRG.
Có thể kiểm soát thanh toán dịch vụ y tế ở các bệnh viện ngoài công lập theo nhóm chẩn đoán trường hợp bệnh (ảnh minh họa).
Hiện nay, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cùng một số bệnh viện xây dựng thực hiện thanh toán dịch vụ theo DRG. Đến lúc chúng ta phải có giải pháp rõ ràng để triển khai vì trong Luật Bảo hiểm Y tế đã ghi rõ những cách thức thu viện phí là theo phí dịch vụ và theo DRG. Trong 10 năm trở lại đây, việc thanh toán dịch vụ y tế theo DRG vẫn chưa được thực hiện nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng thêm trong Luật Bảo hiểm y tế và cần được đưa vào trong Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để đến năm 2023 có thể thực hiện thanh toán theo hình thức này trên phạm vi toàn quốc. Bởi vì các cơ sở y tế đã có những điều kiện cần thiết để thực hiện thanh toán dịch vụ y tế theo hình thức DRG.
Ngoài ra, ông Dương Huy Liệu cho rằng: Việc thanh toán dịch vụ y tế theo DRG cũng phải gắn với kiểm soát phí dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý, kiểm soát giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa thực hiện sát sao khiến trong dư luận có nhiếu ý kiến. Vì thế, trong Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần quy định rõ khung giá để các bệnh viện thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu, chứ không phải tăng lên mức nào cũng được.
Bộ Y tế cần đưa ra khung giá quy định cụ thể
Xã hội hóa y tế và việc phát triển các bệnh viện ngoài công lập trong thời gian qua đã góp phần đáng kể vào việc chăm sóc sức khỏe toàn diện, theo yêu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân và giảm quá tải bệnh nhân đến khám ở các bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện công lập. Vậy để giúp cho các bệnh viện ngoài công lập phát triển và người dân vẫn được hưởng những dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất nhưng không phải bất ngờ đóng phí dịch vụ quá cao thì nên có những giải pháp hữu hiệu nào? Về vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Đại biểu Trương Anh Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định.
Đại biểu Trương Anh Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định.
Phóng viên: Thưa đại biểu, trong Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu quan tâm đến vấn đề nào nhất và vì sao?
Đại biểu Trương Anh Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: Khi tiếp cận với Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tôi dành sự quan tâm đến việc quản lý Nhà nước về giá dịch vụ khám chữa bệnh ở các bệnh viện ngoài công lập. Đối với cơ sở khám chữa bệnh công lập, chúng ta đã có quy định cụ thể và đã có sự giám sát của quan chức năng để điều chỉnh giá khám chữa bệnh sát với thực tế nhằm phục vụ người dân tốt hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh ở các bệnh viện ngoài công lập vẫn theo nguyên tắc thỏa thuận, chưa được quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Tôi hy vọng vấn đề giá dịch vụ ở các bệnh viện ngoài công lập sẽ được cụ thể hóa trong Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và được nghiên cứu, làm rõ.
Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu, để quản lý việc thu phí dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện ngoài công lập được hiệu quả thì Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp cụ thể nào?
Đại biểu Trương Anh Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: Trong từng thời điểm, giá dịch vụ khám chữa bệnh có sự khác nhau. Với từng bệnh nhân cũng có điều kiện hoàn cảnh, kinh tế khác nhau nên có thể lựa chọn gói giá dịch vụ chăm sóc khác nhau. Tuy nhiên, mức giá đó phải được nằm trong một khung quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Ví dụ như giá dịch vụ về giường nằm không được vượt quá 3 lần so với giá mà Bộ Y tế quy định đối với giá giường nằm ở bệnh viện công lập.
Theo tôi, giá dịch vụ khám chữa bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập nên nằm trong khung quy định cơ bản của Bộ Y tế. Trong đó, có một hệ số cho những trường hợp đặc biệt nhưng phải ở mức khống chế. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm quản lý của Nhà nước về giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Phóng viên: Hiện nay, hầu hết các bệnh viện ngoài công lập đều tự đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và trả lương cho bác sĩ. Nếu áp dụng khung giá ở những nơi này thì có thể khiến có bệnh viện khó hoạt động như mong muốn. Theo đại biểu, Bộ Y tế cần có biện pháp nào để quản lý thu phí dịch vụ khám chữa bệnh ở các bệnh viện ngoài công lập hiệu quả nhưng vẫn tạo điều kiện để những nơi này hoạt động tốt?
Đại biểu Trương Anh Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: Tôi cho rằng, khung giá dịch vụ cho các bệnh viện ngoài công lập phải được tính đủ giá để những bệnh nhân có điều kiện kinh tế có thể lựa chọn phương pháp điều trị với mức phí cao hơn nhưng không cao hơn mức cho phép.
Cơ sở y tế được tự chủ hoàn toàn thì về mặt kinh tế phải hạch toán đầy đủ để đảm bảo hoạt động bình thường và chăm sóc tốt cho sức khỏe người dân. Các bệnh viện ngoài công lập vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo giá khám chữa bệnh quy định trong khung. Với những điều kiện cụ thể, bệnh viện có thể áp dụng và triển khai gói khám chữa bệnh do người bệnh lựa chọn với mức phí khác nhau nhưng mức giá đó vẫn phải trong một khung do Bộ Y tế quy định.
Để kiểm soát việc thu phí ở các bệnh viện ngoài công lập, Bộ Y tế cũng cần quy định yêu cầu các bệnh viện ngoài công lập phải công khai giá dịch vụ khám chữa bệnh. Ngoài ra, Bộ cần có khung giá dịch vụ y tế để bệnh nhân, người dân có thể tham gia giám sát xem cơ sở y tế ngoài công lập đã chấp hành thu giá dịch vụ y tế và khám chữa bệnh đúng hay chưa.
Phóng viên: Kiểm soát thu giá dịch vụ y tế theo nhóm chẩn đoán trường hợp bệnh (DRG) đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để kiểm soát việc thu phí dịch vụ y tế tại các bệnh viện ngoài công lập. Quan điểm của đại biểu như thế nào khi Việt Nam có thể áp dụng phương thức này để người dân giám sát việc thu phí ở các bệnh viện ngoài công lập?
Đại biểu Trương Anh Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: Tôi cho rằng, việc kiểm soát giá dịch vụ y tế ở các bệnh viện ngoài công lập vẫn đang bị thả nổi. Hiện nay, việc thực hiện kiểm soát thu giá dịch vụ theo DRG vẫn còn khá xa lạ, vẫn còn chưa thông dụng với đông đảo người dân.
Nếu để các bệnh viện thực hiện thanh toán giá dịch vụ y tế theo DRG thì chúng ta cần phải có sự tuyên truyền để người dân hiểu biết được cách thức thu phí theo hình thức này để tham gia giám sát.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!/.