Chính sách phát triển nhà ở xã hội đã giúp nhiều hộ gia đình thu nhập thấp có nhà ở ổn định.
Nhu cầu mua nhà ở xã hội ngày càng tăng.
Khu Đô thị Đặng Xá được coi là khu nhà ở xã hội tiên phong của thành phố Hà Nội và đến nay sau nhiều năm, Đặng Xá vẫn là mô hình mẫu phát triển cho nhiều khu đô thị cho người thu nhập thấp của Thủ đô. Năm 2015, các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở xã hội với 23 tòa chung cư, gồm hơn 3 nghìn căn hộ tại khu đô thị được đưa vào hoạt động, với hệ thống hạ tầng khá đồng bộ, từ nhà trẻ, trường mầm non, khu thể thao, dịch vụ, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng nghìn gia đình thu nhập thấp.
Ông Đặng Văn Tích, cư dân Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Nhà ở xã hội là chủ trương hợp lòng dân, phù hợp với những hộ khó khăn về nhà ở, cán bộ công nhân viên làm việc ở Hà Nội không đủ tiền để mua nhà ở thương mại. Nhờ chính sách nhà ở xã hội mà người dân được vay với lãi suất ưu đãi, được trả góp kéo dài trong nhiều năm nên tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình thu nhập thấp có cơ hội mua nhà, ổn định cuộc sống”.
Ông Đặng Văng Tích, Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội
Còn với mức thu nhập ở mức trung bình, gia đình chị Lều Thị Dung cũng vừa mua được căn nhà xã hội tại Khu đô thị mới Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Đây là niềm mong ước bao năm của gia đình chị cũng như nhiều hộ có mức thu nhập thấp trong cả nước. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn như gia đình ông Tích và chị Dung, bởi hiện nay để sở hữu một căn nhà với nhiều hộ gia đình vẫn còn là giấc mơ xa vời.
Theo Bộ Xây dựng, Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 98 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 40.700 căn hộ; đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ. Nhờ các chính sách phát triển dự án nhà ở xã hội mà các hộ dân sống trong các dự án nhà ở xã hội ở nhiều địa phương đều rất hài lòng với cuộc sống là minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương phát triển nhà ở xã hội. Nhưng từ khi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà dành cho người nghèo, người thu nhập thấp kết thúc thời hạn giải ngân vào năm 2016, các doanh nghiệp bất động sản không còn mặn mà đầu tư nhà ở xã hội; còn người thu nhập thấp không được tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp. Trong khi đó, với dân số đô thị chiếm hơn 30 triệu người và tăng trưởng dân số đô thị dự kiến hàng năm khoảng 900 nghìn người, vấn đề nhà ở cho người dân tại các thành phố ở Việt Nam đang ngày càng cấp bách.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn... Đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số khoảng 100 triệu dân sẽ sống ở khu vực đô thị/thành phố. Như vậy, theo tính toán tại các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020: Không đạt mục tiêu.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 30/11/2011 đã đặt mục tiêu đến năm 2020:
- Diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25 m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29 m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22 m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8 m2 sàn/người;
- Trong giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ cho khoảng 500 nghìn hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở;
- Tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) đạt trên 90%, đô thị từ loại I đến loại II đạt trên 60%, đô thị loại III đạt trên 40% tổng số đơn vị nhà ở xây dựng mới; tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 30% tổng quỹ nhà ở tại các đô thị loại III trở lên….
Đến năm 2030, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 30 m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người.
Mặc dù Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia, đến năm 2020 đặt mục tiêu cả nước phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị lớn. Tuy vậy, việc triển khai trên thực tế đang gặp khó khi đến thời điểm này mới đạt trên 33% kế hoạch.
Lý giải nguyên nhân khiến các chủ đầu tư không mặn mà xây nhà xã hội, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: do thiếu nguồn vốn hỗ trợ, chính quyền địa phương chưa quan tâm nhất là tạo quỹ đất cho các chủ đầu tư; nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng thu nhập thấp từ ngân sách còn hạn chế. Theo quy định của Luật Đầu tư công, việc bố trí, hỗ trợ ngân sách phải đưa vào kế hoạch trung hạn, nhưng trong danh mục hỗ trợ của các chương trình dự án giai đoạn 2016-2020 chưa có danh mục hỗ trợ về nhà ở. Do đó, việc triển khai vốn hỗ trợ gặp khó khăn. Đây là khó khăn nhất trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết.
Còn tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.
Theo quy định trong Luật Nhà ở 2015, nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội gồm rất nhiều thành phần nên đã có kẽ hở trong quy định về điều kiện và đối tượng mua nhà, mà chuyện xác nhận đối tượng mua diễn ra khá dễ dãi đã khiến nhiều người sở hữu 1, 2 hay nhiều hơn căn nhà ở xã hội. Từ đó dẫn đến tình trạng mua đi bán lại tràn lan và gây biến tướng bản chất nhà ở xã hội. Chưa kể tình trạng, chủ đầu tư tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện 3 dự án nhà ở xã hội chuyển thành nhà ở thương mại trái quy định. Điều đáng nói là những vi phạm của cả chủ đầu tư và người mua nhà vẫn chưa được thống kê và xử phạt nghiêm. Ngay cả Bộ Xây dựng hiện cũng thừa nhận hiện chưa có số liệu cụ thể về hành vi của các chủ đầu tư lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để hưởng lợi không đúng quy định.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, nêu quan điểm, thời gian qua, chính sách nhà ở xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm mở rộng nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, có tình trạng nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp xây nhà ở xã hội nhưng người dân không ở mà bán đi, làm sai lệch chính sách nhà ở xã hội, dẫn đến tình trạng người thực sự cần thì không được mua. Trong khi đó, chính sách ngân hàng ban hành cho vay hỗ trợ lãi suất thấp để xây dựng nhà xã hội, nhưng thực tế có doanh nghiệp áp dụng, có doanh nghiệp lại không áp dụng, nên chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nguyên nhân cơ bản theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phân tích,
Thực tế cho thấy, để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách nhà ở xã hội do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Lợi dụng việc mất cân đối cung – cầu lớn trong phân khúc nhà ở này, một số đối tượng đã có hành vi lạm dụng chính sách trong quá trình phát triển nhà ở xã hội để trục lợi. Trong khi đó, các cơ quan quản lý, thanh tra chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, dẫn đến tình trạng lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để hưởng lợi không đúng quy định, một số đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng thực tế sử dụng không đúng mục đích; công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa hiệu quả, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Những sai phạm này cũng được cơ quan chức năng các địa phương phát hiện, xử lý nhiều vụ. Điển hình như mới đây Thanh tra TP Đà Nẵng đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác xét duyệt, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại Chung cư An Trung 2, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Kết luận thanh tra chỉ rõ trong quá trình thực hiện công tác xét duyệt, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại Chung cư An Trung 2, Sở Xây dựng và Liên doanh DMC-579 còn một số tồn tại, thiếu sót như: Xét duyệt một số hồ sơ không có giấy tờ chứng minh đúng đối tượng theo quy định tại Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP; xét duyệt cho các đối tượng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn của người mua nhà ở xã hội, như: đã sở hữu nhà ở, chịu thuế thu nhập cá nhân…
Kết luận cũng chỉ rõ việc kê khai không trung thực, không đúng về nhà đất, thu nhập chịu thuế, đối tượng làm việc trong doanh nghiệp của người xin mua nhà ở xã hội để lợi dụng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Cụ thể, qua kết quả kiểm tra, đối chiếu với 324 trường hợp được duyệt mua nhà, thanh tra phát hiện có 24 trường hợp đã có nhà trên đất, 11 trường hợp có 2 lô đất trở lên, 42 trường hợp có 1 lô đất và 1 trường hợp đứng tên mua giúp.
Theo quy định hiện hành, nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn ngoài ngân sách thì người mua, thuê mua chỉ được bán hoặc thế chấp sau 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Trường hợp trong thời hạn chưa đủ 5 năm thì chỉ được thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó. Trường hợp bán lại thì chỉ được bán cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định, với giá bán không được vượt quá giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán. Thế nhưng, thực tế việc rao bán nhà ở xã hội đã diễn ra một cách công khai trên nhiều website bán bất động sản.
Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đánh giá tình trạng thiếu nhà ở xã hội thì ở đất nước nào cũng xảy ra không riêng gì ở Việt Nam. Thời gian qua, việc tạo điều kiện cho chủ đầu tư về quỹ đất cũng như các chính sách hỗ trợ khác để xây dựng nhà xã hội sau đó bán lại cho người có nhu cầu thực sự là một giải pháp và chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Đó là chưa kể nhiều dự án nhà ở xã hội chất lượng kém, có trường hợp bán nhà ở không đúng đối tượng. Bà Bùi Thị An đề xuất phương án xây nhà cho thuê dài hạn như ở một số quốc gia đã triển khai hiệu quả. Nhà ở cho thuê là phân khúc giá trị thấp nhưng đang đáp ứng nhu cầu cho số đông, những người có số tiền tích lũy chưa nhiều, họ chọn thuê nhà, sau đó sẽ mua nhà. Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng nên nghiên cứu phương án này để giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở tại các đô thị lớn hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình
Nhằm giải quyết những bất cập vừa nêu, để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được với chính sách hỗ trợ về nhà ở nhằm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề xuất, thời gian tới, Bộ Xây dựng cần rà soát, nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, làm sao để các quy định cho các doanh nghiệp vay vốn và cho các hộ gia đình mua nhà đúng đối tượng. Giải pháp thứ hai là cần quản lý chặt chẽ các đối tượng được mua nhà ở xã hội, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để mua và bán sai quy định, gây tổn hại đến quyền được của người thực sự có nhu cầu về nhà ở. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hoàn chỉnh cơ chế, chính sách đủ sức thu hút được doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà lưu trú cho công nhân. Trên cơ sở đó, chuyển hẳn từ cơ chế xin - cho sang cơ chế phục vụ để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được với chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với nhà ở xã hội.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội.
Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở xã hội đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện về cơ bản đã hình thành khung pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ để điều chỉnh việc phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về quan điểm, giải pháp và trách nhiệm của Bộ về vấn đề này.
Sau khi đại biểu Phạm Tất Thắng chất vấn, ngày ngày 27/06/2019, Bộ Xây dựng đã có Công văn trả lời chất vấn của đại biểu. Công văn trả lời nêu rõ: Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 5/2019 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành được 204 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 85.000 căn, với tổng diện tích hơn 4.250.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 220 dự án, quy mô xây dựng khoảng 179.000 căn, với tổng diện tích khoảng 8.950.000 m2.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận: kết quả phát triển nhà ở xã hội nêu trên vẫn còn hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 33,9% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (đến năm 2020 phải đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội). Công tác quản lý phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương còn có một số hạn chế, trong đó có một số trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, sử dụng nhà ở xã hội sai mục đích, vi phạm quy định của pháp luật,… như Đại biểu phản ánh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn đại biểu tại nghị trường Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nêu trách nhiệm của Bộ để xảy ra các tồn tại, bất cập trong công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Cụ thể:
- Chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền để chấn chỉnh đối với các trường hợp lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để trục lợi, cũng như các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đúng quy định.
- Chưa kịp thời đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và báo cáo cơ quan quản lý theo quy định.
Công văn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nêu một số giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới:
- Các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội cho phù hợp tình hình thực tế trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, bố trí vốn từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để cấp bù lãi suát cho các ngân hàng thương mại và bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
- Tập trung triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; bố trí đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trái quy định pháp luật.
Trong công văn trả lời đại biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã nêu nhiều giải pháp để phát triển cũng như quản lý nhà ở xã hội. Vậy những giải pháp này đã được triển khai như thế nào và đã phát huy hiệu quả như thế nào trong thực tế? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long về nội dung này:
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long
Phóng viên: Được biết tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Đại biểu có thể cho biết cụ thể nội dung chất vấn?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về nội dung này. Trong đó, tôi tập trung vào 2 nội dung:
Thứ nhất là thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng, với góc độ là cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện như thế nào?
Thứ hai, phát triển nhà ở xã hội là chính sách lớn, cần có sự quản lý như thế nào để việc triển khai đúng đối tượng?
Phóng viên: Sau khi nhận được chất vấn của Đại biểu, ngày 27/06/2019, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1493/BXD-QLN trả lời chất vấn. Đại biểu có đánh giá như thế nào về nội dung trả lời tại văn bản?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Tôi cơ bản đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Với hai nội dung chất vấn, Bộ trưởng cũng đã đề cập khá rõ trong văn bản trả lời chất vấn. Bộ trưởng cũng thừa nhận những tồn tại đang diễn ra trong thực tế, Bộ trưởng cũng đề xuất một số giải pháp để tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, tôi thấy rằng những giải pháp vẫn còn mang tính định hướng nhiều hơn, mà với những giải pháp mang tính định hướng này Bộ Xây dựng không có những giải pháp cụ thể, biện pháp quyết liệt thì chắc chắn công tác phát triển và quản lý nhà ở xã hội sẽ chưa đạt được kết quả như chúng ta mong muốn.
Phóng viên: Tại văn bản trả lời Bộ Xây dựng cũng thừa nhận kết quả phát triển nhà ở xã hội nêu trên vẫn còn hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 33,9% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (đến năm 2020 phải đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội). Thực trạng này có ảnh hưởng như thế nào đến chủ trương phát triển nhà ở xã hội vốn rất đúng đắn của Nhà nước ta, thưa đại biểu?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Theo tôi, bất cứ chỉ tiêu nào đạt được 1/3 là thấp, như vậy vẫn còn 2/3 mục tiêu vẫn chưa đạt được. Đây là con số rất lớn và rõ ràng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng như tác động của chính sách này trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt người lao động có thu nhập thấp và như vậy sẽ ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.
Theo con số thống kê, hiện vẫn còn 1,7 triệu người lao động gặp khó khăn về nhà ở và có khoảng chừng đó người lao động ở các khu công nghiệp vẫn cần chỗ ở ổn định, có chất lượng, được đảm bảo. Với con số hơn 3 triệu người lao động khó khăn về nhà ở như vậy nhưng hiện mới chỉ giải quyết được 1/3 mục tiêu đề ra cho thấy chính sách đề ra chưa đi vào cuộc sống, nên vẫn còn rất nhiều người khó khăn về nhà ở đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, công nhân ở các khu công nghiệp.
Phóng viên: Thưa đại biểu, để tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều giải pháp. Đại biểu có nhận định như thế nào đối với những giài pháp này?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Tôi chia sẻ với Bộ Xây dựng, đây là nhiệm vụ khó khăn. Mặc dù mục tiêu đặt ra rất cụ thể nhưng vẫn còn vướng nhiều điều kiện, các quy định khác liên quan đến giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực, sự tham gia của các doanh nghiệp. Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng còn phải phấn đấu rất nhiều, đặc biệt là khi đặt mục tiêu gắn với chính sách an sinh xã hội, tuy nhiên, những giải pháp mà Bộ đưa ra vẫn còn chung chung, chưa cụ thể và quyết liệt; cũng có thể trong văn bản chất vấn của Bộ Xây dựng không có điều kiện để Bộ nêu cụ thể, chi tiết những giải pháp mà Bộ đã triển khai.
Phóng viên: Bên cạnh những giải pháp do Bộ Xây dựng đề xuất, đại biểu có kiến nghị giải pháp gì để việc thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội đạt được như mục tiêu đề ra?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Tôi cho rằng, để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, cần có giải pháp quyết liệt, cần sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cũng như các địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng; đặc biệt cần có giải pháp xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm để chính sách thực hiện đúng mục tiêu, đúng mục đích, có hiệu quả và giải quyết được khó khăn về nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Phóng viên: Thưa đại biểu, để xảy ra những bất cập, hạn chế trong công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội thì trách nhiệm của Bộ Xây dựng cần được nhìn nhận như thế nào?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan, từ Bộ Xây dựng với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng, cơ quan quản lý nhà ở và sự phối hợp của các ngân hàng. Tuy nhiên, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cần đóng vai trò chủ đạo, nhạc trưởng trong việc thực hiện mục tiêu đề ra. Trong đó, Bộ cần làm tốt chức năng quản lý nhà nước, chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương cùng chung tay thực hiện mục tiêu này. Bộ Xây dựng cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện trường hợp vi phạm, từ đó có giải pháp xử lý, để chủ trương, chính sách này được triển khai đúng mục tiêu, đúng đối tượng là những người lao động thu nhập thấp, gặp khó khăn về nhà ở.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Đại biểu Phạm Tất Thắng cơ bản đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong đó đã thừa nhận những tồn tại đang diễn ra trong thực tế, Bộ trưởng cũng đề xuất một số giải pháp để tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng những giải pháp vẫn còn mang tính định hướng, nếu Bộ Xây dựng không có những giải pháp cụ thể, biện pháp quyết liệt thì chắc chắn công tác phát triển và quản lý nhà ở xã hội sẽ chưa đạt được kết quả như chúng ta mong muốn.
Đại biểu Phạm Tất Thắng cũng cho rằng: “Nhà ở xã hội” là chủ trương, chính sách đúng đắn, với những đột phá từ quan điểm, tư tưởng, cách thức tiếp cận cho tới giải pháp thực thi, cùng với sự quyết tâm và vào cuộc tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đem lại nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua. Nhưng để xây dựng chính sách tổng thể phát triển nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ áp dụng hệ thống tài chính về nhà ở một cách bền vững, trong đó huy động cả nguồn tài chính xã hội hoá và vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, để cải thiện hiệu quả các chính sách nhà ở xã hội cũng đòi hỏi phải có số liệu thống kê chính xác nhu cầu thực tế, rà soát các quy định để xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước./.