Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8
Sau hơn 3 năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội cho thấy, về cơ bản nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo Tờ trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được xây dựng với mục đích nhằm thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhưng trong những chủ trương này, có nội dung có thể quy định ngay trong luật, nhưng cũng có những nội dung nên được xác định, cụ thể hóa thông qua các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc trong đề án cụ thể gắn với từng nhiệm kỳ Quốc hội. Hơn nữa, ngay cả những vấn đề đã đưa vào dự thảo nhưng trong quá trình thảo luận, cho ý kiến còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc chưa đánh giá hết được tác động khi thực thi thì cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để sửa đổi, bổ sung luật vào thời gian thích hợp.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình
Với tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được bố cục trong 2 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung 15 điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Điều 2 là hiệu lực thi hành. Dự thảo Luật xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là ngày 01/6/2021 để bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo chương trình kỳ họp 8, ngày 29/10/2019, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo thống kê đã có 173 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 19 Tổ. Trong đó, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với những lý do nêu trong Tờ trình.
Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại Tổ 5
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều ý kiến tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật, theo đó, tập trung vào các vấn đề đã rõ nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của Trung ương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sungnhư dự thảo Luật còn hẹp, chủ yếu để tập trung vào cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 18/NQ-TW để tinh gọn bộ máy mà chưa tập trung vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội; chưa cụ thể hóa được Kết luận số 64/KL-TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 (khoá XI); chưa thể hiện được vai trò trung tâm của Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội; chưa khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật thời gian qua; chưa tính đến đặc thù của cơ quan lập pháp cũng như khối lượng công việc ngày càng tăng của Quốc hội. Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu, mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của luật, trong đó tập trung làm rõ mô hình, cơ cấu tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội để bảo đảm đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (Điều 23), đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, đề nghị điều chỉnh theo hướng nâng tỷ lệ hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (trên 45%) để có cơ sở phấn đấu và cũng là điều kiện, là tiền đề để xây dựng Đề án bầu cử các khóa tiếp theo mà cụ thể là bầu cử Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng thời cũng đáp ứng chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 18 và cũng là yêu cầu để các địa phương quan tâm công tác chuẩn bị nhân sự cho Đoàn đại biểu Quốc hội. Mặt khác, qua nghiên cứu kinh nghiệm nghị viện một số nước cho thấy, phần lớn nghị viện các nước hoạt động chuyên nghiệp, thường xuyên; tất cả nghị sĩ là các chính trị gia hoạt động chuyên trách.
Đại biểu Cao Đình Thưởng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Tổ
Về sửa đổi, bổ sung quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ vị thế, địa vị pháp lý của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Thực tiễn cho thấy, Đoàn Đại biểu Quốc hội có quyền giám sát, tiếp xúc cử tri, quyền đề nghị cung cấp thông tin… nhưng địa vị pháp lý lại chưa rõ ràng.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã dự kiến các nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật để báo cáo, xin ý kiến các cơ quan hữu quan. Một số nội dung đề xuất 2 phương án để các đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm như về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách; kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, kinh phí cho bộ phận tham mưu giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội; cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, …
Tổ chức triển khai việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
Dự án Luật sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Vì vậy, thời điểm này, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và cử tri vẫn tích cực đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật. Từ thực tiễn nhiều năm gắn bó với hoạt động của Quốc hội cũng như kinh nghiệm thực tế tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần xác định rõ vị thế, địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đồng thời quy định Đoàn đại biểu Quốc hội phải có Văn phòng giúp việc riêng độc lập, hoặc chỉ 2 Văn phòng chung tên gọi là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội – Hội đồng nhân dân? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến đóng góp của đại biểu về dự án Luật:
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Phóng viên: Thưa đại biểu, dự án Luật sửa đổi, bố sung một số điều Luật Tổ chức Quốc hội đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Qua thảo luận, đại biểu có đồng tình với phạm vi sửa đổi cũng như nội dung sửa đổi cơ bản của dự án Luật?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi cơ bản đồng tình với phạm vi sửa đổi cũng như những nội dung sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề quan trọng mà dự thảo Luật chưa làm rõ hoặc không được bổ sung sửa đổi lần này. Đó là, có nên chăng nâng Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện là cơ quan của Quốc hội giống như các Ủy ban khác của Quốc hội? Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố là một cơ quan đơn vị trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có tư cách pháp nhân rõ ràng thuộc hệ thống chính trị, chứ không phải như hiện nay là một tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội giữ nguyên theo Luật hiện hành hay nhập chung với Văn phòng Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân?
Ba nội dung trên cần được Quốc hội thảo luận cho ý kiến và đưa vào phạm vi điều chỉnh.
Phóng viên: Đối với quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này đã làm rõ được vị thế, địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội hay chưa, thưa đại biểu?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Đối với quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật cũng chưa nêu lên được vị thế, địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội. Điều 43 Luật hiện hành quy định Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các Đại biểu Quốc hội được bầu tại 1 tỉnh, thành trực thuộc trung ương, quy định như vậy chưa rõ ràng vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội trong hệ thống chính trị. Thực tiễn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thời gian qua có những bất cập, cho nên cần làm rõ địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, là cơ quan tổ chức của địa phương hay Trung ương, tổ chức nào lãnh đạo, chỉ đạo quản lý? Vì vậy, hiện vai trò, vị thế của Đoàn đại biểu Quốc hội trong hệ thống chính trị chưa rõ ràng, chưa được xem là một cơ cấu của Quốc hội tại địa phương, là cánh tay nối dài của Quốc hội ở địa phương. Do đó, sửa luật lần này cũng phải sửa quy định về vị trí pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội rõ ràng, cụ thể theo hướng quy định là tổ chức có tư cách pháp nhân, để xác định vị thế của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Dự thảo Luật cũng quy định Đoàn có Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn do đại biểu Quốc hội trong Đoàn bầu, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn và Uỷ ban Thường vụ cho thôi giữ chức vụ Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn. Tại Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH ngày 17/4/2017 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nêu “cơ quan thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của địa phương mình”. Nghị quyết quy định cho địa phương quản lý, còn cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là Ban công tác đại biểu thì lại không có quy định quản lý mà chỉ tham mưu cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ nhiệm, cho thôi chức Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn. Do đó, vị trí vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội hiện nay còn lấp lửng, ở Trung ương cũng quản lý ở địa phương cũng quản lý nhưng nằm ở đâu thì không rõ. Từ việc địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội chưa rõ ràng dẫn đến vị trí, vai trò của Phó Trưởng Đoàn chuyên trách của địa phương cũng chưa rõ, vị thế rất thấp, mặc dù quy định là chức vụ tương đương Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Cho nên, cũng cần xác lập vị trí pháp lý của Phó trưởng Đoàn chuyên trách của địa phương .
Một bất cập nữa là chưa quy định rõ trách nhiệm của các ngành trong việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo. Do đó, việc gửi báo cáo cho Đoàn Đại biểu Quốc hội, cũng như mời dự các cuộc hội họp còn rất hạn chế, muốn gửi thì gửi không gửi cũng không sao. Từ đó, rất khó theo dõi, nắm bắt tình hình địa phương, cũng như công tác giám sát sau này.
Phóng viên: Từ thực tế hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đại biểu có góp ý, kiến nghị gì nhằm hoàn thiện quy định về bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cho phù hợp với thực tiễn, thưa đại biểu?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Nếu được Quốc hội thông qua vị thế, địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân thuộc hệ thống chính trị trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngang bằng Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thì Đoàn đại biểu Quốc hội phải có Văn phòng giúp việc riêng, độc lập, hoặc chỉ 2 Văn phòng chung tên gọi là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội – Hội đồng nhân dân, chứ không thể chung với Văn phòng Uỷ ban nhân dân như nhiều đại biểu đã phân tích.
Theo tôi, tham mưu, giúp việc cho lập pháp và hành pháp phải tách bạch nhau như vậy mới khách quan, công tác giám sát mới thuận lợi, dễ dàng, vị thế của cơ quan dân cử được nâng lên, chuyên viên giúp việc phát huy hết năng lực chuyên môn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!