Đại biểu Bùi Thanh Tùng phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Bùi Thanh Tùng tán thành cao việc bổ sung 2 loại hình thiên tai là gió mạnh trên biển và sương mù, cũng như bổ sung hiện tượng cháy rừng do nguyên nhân nắng nóng kéo dài vào dự án Luật này. Đối với vấn đề về nguồn lực cho phòng, chống thiên tai quy định tại khoản 3 Điều 1. Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành quy định lực lượng dân quân tự vệ là lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Thực tế, công tác phòng, chống thiên tai ở các địa phương, nhất là các địa bàn xã ven biển, đảo và vùng cao cho thấy mỗi khi có bão lũ hay cháy rừng, ngoài việc điều động các lực lượng chủ công là bộ đội, công an và các lực lượng chuyên nghiệp ở cấp tỉnh, cấp huyện xuống hỗ trợ. Cấp ủy chính quyền xã phải huy động lực lượng tại chỗ lớn hơn từ các tổ chức, đoàn thể bên cạnh đội ngũ dân quân tự vệ mới đủ sức để triển khai các hoạt động ứng phó. Đặc biệt, trong khâu sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn, sơ cứu tại chỗ, giúp đỡ người già, trẻ em, hộ đê một cách nhanh nhất có thể. Chính vì vậy, đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung nội dung này như thảo Luật quy định.
Về nguồn tài chính và ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai quy định tại khoản 5, 6 Điều 1. Theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành thì nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách nhà nước đóng góp của các tổ chức, cá nhân vào Quỹ phòng, chống thiên tai. Từ thực tế ở địa phương, đại biểu cho rằng ngân sách nhà nước bố trí cho công tác phòng, chống thiên tai mặc dù được các cấp chính quyền quan tâm nhưng cơ bản còn khá thấp, chỉ đáp ứng được một phần khoảng trên 20% so với yêu cầu, nhất là các khâu hoạt động phòng ngừa thiên tai. Việc sử dụng kinh phí còn thiếu tập trung do được bố trí từ nhiều nguồn, do nhiều cơ quan quản lý và quy trình cấp phát nói chung là chậm so với yêu cầu, nhất là khi sử dụng ngân sách dự phòng Trung ương. Quỹ dự trữ quốc gia với các thủ tục, quy trình từ dưới lên kéo dài từ 8 đến 10 tháng. Rõ nhất là trong tình huống phải khắc phục hậu quả khi thiên tai lớn xảy ra, khi nguồn ngân sách dự phòng ở địa phương ít lại phải chi cho nhiều vấn đề phát sinh của quản lý nhà nước chưa được dự toán. Từ thực trạng trên, đại biểu tán thành với nội dung quy định trong dự thảo luật, đồng thời đề nghị cần bổ sung trong luật về việc ưu tiên bố trí ngân sách cho phòng, chống thiên tai trong cân đối kế hoạch vốn trung hạn, có cơ chế đặc thù đối với quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai, đặc biệt các hoạt động ứng phó khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai, bổ sung mục chi riêng cho mục lục ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai để tập trung nguồn lực cho công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này. Đồng thời, có căn cứ để huy động thêm các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước để bù đắp cho nguồn lực còn thiếu trong công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương.
Về bộ máy phòng, chống thiên tai, từ thực tế, một số bất cập, thiếu thống nhất, chồng chéo hiện nay trong bộ máy quản lý nhà nước cũng như là cơ quan điều phối liên ngành về phòng, chống thiên tai, đại biểu đề nghị bộ máy phòng, chống thiên tai cần phải được xây dựng một cách chuyên nghiệp, chặt chẽ, có hiệu lực làm nòng cốt trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp với đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết và nắm chắc địa bàn; phải hình thành được một lực lượng chuyên trách tại các cấp theo hướng kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước hoạt động theo hướng chuyên nghiệp; cơ quan điều phối liên ngành có văn phòng thường trực ở các cấp từ Trung ương tới địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã./.