Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định
Theo báo cáo của Chính phủ về “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 2017, phương hướng triển khai trật tự an toàn giao thông những tháng đầu năm 2018”, cả 3 tiêu chí: tai nạn giao thông, số người chết, người bị thương, đều giảm. Điều này đã thể hiện sự nỗ lực và hiệu quả của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng dẫn chứng rằng từ ngày 16/11/2016 đến 15/11/2017, vẫn còn 20.880 vụ tai nạn giao thông làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người, và để lại những hậu quả hết sức thương tâm. Hàng ngàn gia đình rơi vào trường hợp cha mẹ không ai chăm sóc, con mồ côi cha mẹ, vợ mất chồng,…; và hàng ngàn người phải chịu cảnh tàn tật suốt đời và để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trước thực trạng này, Đại biểu chia sẻ: “Nếu chúng ta không cố gắng làm hết sức mình thì chúng ta sẽ cảm thấy có lỗi với người dân.”
Đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ tại báo cáo nêu trên, kiến nghị Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIV các công tác bảo đảm Luật An toàn giao thông, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật An toàn giao thông đường bộ năm 2008.
Toàn cảnh phiên họp sáng 30/5
Đại biểu nhận định, Luật Giao thông đường bộ tác động sâu sắc đến cuộc sống của toàn xã hội. Hàng ngày, từ sớm đến tối, mỗi công dân phải liên tục thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, và chỉ một chút sơ xuất, thiếu hiểu biết hay không chấp hành nghiêm túc luật, có thể gây ra những hệ lụy nặng nề cho bản thân và gia đình. Vì vậy công tác bảo đảm an toàn giao thông cần phải được làm thường xuyên và liên tục.
Bên cạnh đó, hiện nay hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông đang xuất hiện nhiều yếu tố và bất cập mới chưa được quy định cụ thể trong luật như: đường cao tốc, đường tốc độ cao, đường giao cắt đồng mức, làn đường có nhiều phương tiện cùng lưu thông; các phương tiện mới như xe đạp điện, xe máy điện, ô tô điện, xe buýt điện, xe điện trong các thành phố du lịch, khu du lịch, taxi sử dụng công nghệ cao…. Vì vậy, Luật Giao thông đường bộ cần sớm được sửa đổi để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đại biểu đề nghị cần quy định quyền, lợi ích của công dân vào các nghị định, thông tư và Luật Giao thông đường bộ một cách đầy đủ và rõ ràng. Luật có thể được điều chỉnh mỗi năm để người dân khi tham gia giao thông luôn được bảo đản an toàn ở mức độ cao nhất có thể, và Đại biểu Quốc hội cũng có điều kiện đưa các đề xuất của cử tri vào trực tiếp trong luật một cách thường xuyên và liên tục mà không phải kiến nghị và đợi chờ các bộ, ngành điều chỉnh các văn bản dưới luật.
Hơn nữa, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương xem xét có kế hoạch và triển khai biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trước các cổng trường. Cụ thể hơn, trước giờ vào lớp 30 phút và sau giờ tan học 30 phút, tất cả các vỉa hè ở các cơ sở giáo dục, các cơ quan hành chính nhà, đất công cộng xung quanh các cơ sở giáo dục sẽ chỉ dành riêng cho các phương tiện của phụ huynh đậu, đỗ đưa đón học sinh em một cách an toàn.
Với những lý do trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Quốc hội cần xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, kế hoạch sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, nhằm giảm thiểu nhiều và nhanh số tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương. Đặc biệt, không để xảy ra các tai nạn do các quy định không hợp lý trong các văn bản pháp luật về giao thông đường bộ./.