Toàn cảnh phiên làm việc buổi sáng 30/5
Qua nghiên cứu hồ sơ trình Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình năm 2018, đại biểu Triệu Thị Thu Phương có một số ý kiến đối với 2 nội dung như sau:
Một, về đánh giá tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Triệu Thị Thu Phương cơ bản nhất trí với đánh giá trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những kết quả đạt được và nhấn mạnh thêm là cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng pháp luật nói chung, trong đó việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật nói riêng đã đi vào nề nếp và nghiêm túc hơn. Việc thảo luận thông qua dự án luật tại kỳ họp Quốc hội được thực hiện đúng quy định với chất lượng ngày càng cao, thời gian thảo luận tại hội trường được tăng thêm, tính đối thoại và tranh luận, phản biện trong phát biểu của đại biểu được tăng cường. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật góp phần quyết định, nhằm nhanh chóng thể chế hóa quan điểm, chủ chương của Đảng, nhất là các quan điểm, chủ chương mới được Đại hội XII thông qua, phúc đáp đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Từ đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian vừa qua, nâng cao và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại biểu Triệu Thị Minh Phương phát biểu
Bên cạnh đó, ngoài những hạn chế đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đại biểu cho rằng việc lập và thực hiện chương trình xây dựng pháp luật còn tồn tại môt số hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu, phân tích để đưa ra giải pháp.
Thứ nhất, trong việc lập chương trình xây dựng pháp luật cho thấy có sự quá tải, ví dụ như theo dự kiến thì tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến vào 6 dự án. Các dự án luật do các cơ quan, tổ chức trình là quá lớn so với khả năng chuẩn bị cũng như quỹ thời gian, còn một số dự án được đưa vào chương trình nhưng chưa xem xét một cách toàn diện. Việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa sát thực tế, chưa dự báo đầy đủ yêu cầu của thực tiễn nên tính khả thi chưa cao, do đó nhiều dự án luật đưa vào rồi lại rút ra khỏi chương trình. Ví dụ, năm 2017 bổ sung 6 dự án, lùi thời gian trình 5 dự án, rút khỏi chương trình 3 dự án, 2 dự án luật được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Năm 2018 Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 3 dự án và bổ sung 10 dự án.
Thứ hai, mặc dù việc đưa vào chương trình nhiều nhưng còn thiếu, chậm sửa đổi các luật điều chỉnh những lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trí tuệ nhân tạo, v.v...
Thứ ba, việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật cũng còn nhiều hạn chế, nổi bật có tình trạng nhiều cơ quan được giao chủ trì soạn thảo chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ xây dựng pháp luật nên một số cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra chưa dành thời gian hợp lý và đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị dự án nên chất lượng một số dự án luật chưa đảm bảo. Đây cũng chính là nguyên nhân một số dự án luật đã được đưa vào chương trình nhưng không đủ điều kiện để trình ra Quốc hội như Luật dân số, Luật Quản lý, phát triển đô thị.
Thứ tư, để việc thẩm tra, thảo luận của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có hiệu quả, có chất lượng, việc gửi hồ sơ các dự án luật phải được thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo thời gian cho các đại biểu nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trình hồ sơ, tài liệu còn chậm, nội dung còn sơ sài, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, thủ tục và tiến độ. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp cũng chưa thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vẫn còn tình trạng nể nang, nhất là trong việc chậm gửi hồ sơ. Do đó, tình trạng thẩm tra sơ bộ trên cơ sở dự thảo tờ trình của Chính phủ hoặc các phiên họp thẩm tra mới nhận được hồ sơ chính thức. Mặc dù, tại khoản 3 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn theo quy định.