Ngày 16/12/2016, Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh An Giang về thực trạng các dự án có vốn đầu tư lớn lên đến nhiều nghìn tỷ đồng mà có nguy cơ thất bại.
Ngoài 5 dự án thua lỗ lên đến nhiều nghìn tỷ đồng mà Bộ Công Thương vừa báo cáo Quốc hội thì hiện nay trên thực tế còn bao nhiêu dự án có mức đầu tư lớn mà có nguy cơ thất bại như 5 dự án trên. Liệu đến kỳ họp Quốc hội sau, Quổc hội và cử tri cả nước lại phải có thêm một bản danh sách khác mà đọc đến làm tất cả chúng ta đau đớn và xót xa?
Bộ Công Thương xin được trả lời Đại biểu về vấn đề này như sau:
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Đối với vấn đề rà soát, kiểm tra, xử lý các công trình, dự án đầu tư kém hiệu quả, bao gồm cả các công trình đã, đang và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới, bên cạnh những dự án đầu tư kém hiệu quả đã được đề cập và đang trong quá trình xử lý thời gian qua, thực hiện yêu cầu của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đang tiếp tục tiến hành rà soát để có đánh giá, kịp thời xác định những dự án có khả năng kém hiệu quả để xử lý một cách toàn diện, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà nước trong tất cả các dự án có sử dụng vốn nhà nước.
Với vai trò, trách nhiệm của một cơ quan được Chính phủ phân công thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo quy định tại Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012, Bộ Công Thương đã và đang gấp rút chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể đối với các dự án đầu tư (đặc biệt là các dự án có mức đầu tư lớn) để kịp thời phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, đưa ra các biện pháp ngăn chặn, xử lý cũng như khắc phục kịp thời với mục tiêu không để tình trạng nói trên tiếp diễn, đồng thời hạn chế tới mức tối đa đối với những trường hợp thua lỗ có thể xảy ra. Cụ thể, Bộ đã xây dựng các kế hoạch, thiết ỉập các quy trình quản lý nhằm bám sát toàn bộ quá trình đầu tư như: đánh giá, dự toán hiệu quả các dự án đầu tư ngay từ khâu chuẩn bị; kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện đầu tư của các Tập đoàn, Tổng công ty cũng như các doanh nghiệp thành viên để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc trình Chính phủ xử lý triệt để, kịp thời các phát sinh có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đẩy mạnh công khai minh bạch...; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.
Bộ Công Thương sẽ thực hiện một cách đầy đủ, chặt chẽ và nghiêm túc nhất các qui định pháp luật, cùng các Bộ ngành có liên quan, kiểm soát chặt chẽ quá trình thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án để tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc như ở một số dự án vừa qua đã Báo cáo với các Đại biểu Quốc hội.